Thực hiện Kế hoạch số 44-KH/BCĐTW ngày 28/5/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và Quyết định thành lập các Đoàn công tác kiểm tra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Thuận.
Chiều 14/8, Tổ công tác của Đoàn kiểm tra số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực do đồng chí Phạm Xuân Tư – Phó Vụ trưởng Vụ địa bàn I, Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương làm đại diện thực hiện kế hoạch kiểm tra Viện KSND tỉnh Bình Thuận.
Hình 1: Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra có tập thể Ban cán sự Viện KSND tỉnh Bình Thuận; Trưởng phòng, Phó phòng nghiệp vụ Viện KSND tỉnh Bình Thuận và Viện trưởng Viện KSND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Xuân Tư phát biểu mục đích của cuộc kiểm tra là nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thông qua công tác kiểm tra để nắm bắt tình hình, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và kết quả thực hiện Cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của các cơ quan chức năng. Từ đó, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện Cơ chế phối hợp.
Hình 2: Đồng chí Phạm Xuân Tư – Phó Vụ trưởng Vụ địa bàn I, Cơ quan Ủy ban kiểm tra Trung ương phát biểu tại buổi kiểm tra
Đối với nội dung kiểm tra, Đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào những nội dung chính như tình hình và kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng của Viện KSND 02 cấp tỉnh Bình Thuận đối với việc thực hiện Cơ chế phối hợp; việc triển khai, thực hiện Thông báo số 01-TB/BCĐTW của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Quy định số 67-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phối hợp, phát hiện xử lý tham nhũng, tiêu cực…; việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về thực hiện cơ chế phối hợp…
Công tác kiểm tra cũng tập trung vào kết quả thực hiện Cơ chế phối hợp qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của các cơ quan chức năng; trọng tâm là kết quả phát hiện, chuyển giao các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đến cơ quan điều tra có thẩm quyền của các cơ quan chức năng.
Một số nội dung kiểm tra nữa là kết quả phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm đến Ủy ban kiểm tra các cấp; Kết quả tiếp nhận, giải quyết các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của các cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh, cấp huyện do các cơ quan chức năng chuyển đến theo Cơ chế phối hợp; kết quả kiểm tra, xử lý của ủy ban kiểm tra các cấp đối với tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm do các cơ quan chức năng chuyển đến.
Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền những nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Cơ chế phối hợp; trọng tâm là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và hoàn thiện Cơ chế phối hợp và quy định của Đảng, chính sách, pháp luật có liên quan.
Tiến Tân – VKSND tỉnh Bình Thuận