Vừa qua, tại Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an tỉnh Bình Thuận, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Bắc Bình đã phối hợp với Điều tra viên thuộc PC03 tiến hành hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh đối với bị can Tăng Văn Đông, bị khởi tố về tội “Buôn bán hàng cấm” theo điểm c, khoản 3, Điều 190 Bộ luật hình sự, nhằm củng cố tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án.

Hình ảnh Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên hỏi cung bị can có ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Trong suốt quá trình hỏi cung, bị can Tăng Văn Đông đã tự nguyện, thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình, tất cả lời khai của bị can đều phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Buổi hỏi cung áp dụng ghi âm, ghi hình có âm thanh được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 183, Điều 184 Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của liên ngành Trung ương “Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” và Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về ban hành quy chế tạm thời “Kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của Cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố”.
Hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can không chỉ căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án trong hoạt động điều tra, mà còn là một trong những giải pháp hiệu quả để tránh trường hợp bị can phản cung, chối tội hoặc thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án./.
Thảo Nhi
Viện KSND huyện Bắc Bình