Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tin báo về tội phạm, việc khởi tố, điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, nhận thấy, thời gian qua, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, theo số liệu 03 vụ cháy nổ gần nhất đã gây thiệt hại về tài sản khoảng trên 40 tỷ đồng, thương vong 05 người, điển hình như:
Vụ thứ 1: Vụ cháy nhà: nhà ở kết hợp với việc làm cơ sở sửa xe mô tô xảy ra ngày 31/8/2023 tại nhà ông Tạ Văn Hưng (sinh năm: 1988) ở số 414- Hải Thượng Lãng Ông thuộc thôn Xuân Tài, xã Phong Nam, TP. Phan Thiết làm 04 người tử vong, 01 người bị thương. Kết quả xác minh nguồn tin xác định nguyên nhân cháy là do sự cố chập điện tại đầu dây dẫn điện ra ổ cắm điện gần máy mở vỏ lốp xe trên tường hướng Tây. Chập điện tạo nên nhiệt độ cao đốt cháy lớp vỏ của dây dẫn điện và cháy lan ra các vật liệu dễ cháy gây cháy. Theo biên bản kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH do Công an xã Phong Nẫm lập ngày 15/12/2022, nhận xét đánh giá cơ sờ sản xuất của ông Tạ Ngọc Hưng là cơ sở có nhiều nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, việc bố trí lối thoát hiểm là không có, hệ thống dây điện câu nối phức tạp không đảm bảo an toàn.
(vụ cháy nhà dân số 414- Hải Thượng Lãng Ông thuộc thôn Xuân Tài, xã Phong Nẫm)
Vụ thứ 2: Vụ cháy tàu thuyền, Ông Hàn Phi Hổ (sinh năm 1998, trú khu phố 2, phường Phú Hài) là công nhân hàn của Công ty TNHH sửa chữa đóng tàu Phan Thiết được Đinh Thắng (sinh năm 1976, trú khu phố 3, phường Hưng Long) là người quản lý bộ phận cơ khí của Công ty phân công xuống tàu cá, số hiệu BTh-99897-TS để hàn pô. Trong lúc hàn, Hàn Phi Hổ để muội hàn rơi xuống khoang chứa dầu phía dưới gây cháy. Hổ hô hoán cho mọi người dập lửa nhưng không được. Do gió lớn, lửa bùng phát mạnh cháy lan sang 10 tàu cá khác đang neo đậu liền kề nhau. Hậu quả: ước tính ban đầu, tổng giá trị tài sản 11 tàu cá bị thiệt hại khoảng 40.000.000.000 đồng. Quá trình điều tra xác định nguyên nhân cháy do hàn xì, ngoài ra Hàn Phi Hổ không có chứng chỉ nghề hàn và cũng không được tập huấn phòng cháy, chữa cháy.
( vụ cháy tàu cá xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa đóng tàu Phan Thiết)
Vụ thứ 3: Vụ cháy nhà giữ xe tang vật Công an huyện Tánh Linh, xảy ra lúc 18h ngày 9.3.2024 tại khu vực nhà để xe tang vật trong trụ sở Công an huyện Tánh Linh, làm 232 môtô, 1 tivi và một số quạt trần bị thiêu rụi, vụ cháy gây thiệt hại khoảng 02 tỉ đồng (tính riêng môtô), chưa kể một loạt các công trình phụ cận cũng bị hư hại, đường dây điện truyền tải thông tin phía trên cũng bị cháy. Bước đầu xác định, vụ cháy xảy ra do sự bất cẩn của một chiến sĩ Công an nghĩa vụ đang làm nhiệm vụ tại Công an huyện Tánh Linh.
( vụ cháy nhà xe tại CA huyện Tánh Linh)
Từ các vụ việc nêu trên nhận thấy: có nhiều nguyên nhân gây cháy nổ như do chập điện là phổ biến; việc câu nối dây dẫn điện tùy tiện, đường dây dẫn điện lâu ngày bị hư hỏng nhưng không được kiểm tra thay thế kịp thời... dẫn đến đường dây quá tải, chập mạch gây cháy nổ. Người dân thường chủ quan, bố trí các thiết bị điện gần những vật liệu dễ cháy, không ngắt điện, rút phích cắm khi đi ngủ hay đi ra khỏi nhà. Bên cạnh đó, việc hàn cắt kim loại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng phần lớn co sở hàn cắt kim loại hiện nay có quy mô nhỏ và vừa; không được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về PCCC và sử dụng thiết bị hàn cắt không đảm bảo an toàn. Các cơ sờ này cũng không trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực hàn cắt, không chú ý đến tính an toàn của dụng cụ sử dụng để hàn cắt...không có biện pháp phòng ngừa sự cố, lúng túng, không xử lý kịp đám cháy ngay khi mới phát sinh. Ngoài việc vi phạm của những tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy chữa cháy thì còn thiếu sót của công tác kiểm tra, quản lý, vận động người dân chấp hành đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa được thường xuyên, hiệu quả cao. Người dân còn thiếu hiểu biết trong việc xử lý các tình huống khi có cháy nổ xảy ra, thiếu kỹ năng thoát nạn, kỹ năng cứu hộ trong đám cháy...
Để khắc phục các thiếu sót vi phạm trên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, hạn chế thấp nhất các thiệt hại xảy ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị và đề xuất với Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận một số giải pháp như sau:
- Chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương tập trung quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về Phòng cháy, chữa cháy như: Luật phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013); Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy...để cán bộ và nhân dân biết, tự giác chấp hành;
- Tăng cưòng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho các tầng lớp nhân dân nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh, đội ngũ lao động trong các ngành nghề dễ gây cháy nổ. Tuyên truyền về đặc tính nguy hiểm cháy nổ của quá trình hàn cắt kim loại, kiến thức an toàn cháy nổ trong quá trình hàn cắt.
- Đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền vừa có chiều rộng, vừa dễ hiểu, dễ tiếp thu. Phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền về PCCC trực tiếp tại cơ sở, thông qua các buổi họp tổ, họp thôn để người dân nắm và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về PCCC;
- Tăng cường thanh tra kiểm tra về PCCC, nhất là tại các địa bàn, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy nổ như: quán Karaoke, bar, cơ sở hàn cất, cơ sờ sửa xe, cơ sở sữa chữa tàu thuyền...Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và CNCH.
- Tất cả các hành vi vi phạm về PCCC và CNCH phải được xử lý nghiêm theo quy định và bất buộc khắc phục đối với các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Công khai các cơ sở vi phạm quy định về PCCC và CNCH trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tham gia giám sát;
Tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình về PCCC và CNCH đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội; Xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, để xảy ra các vi phạm dẫn đến cháy, nổ nghiêm trọng trong đơn vị, tổ chức hoặc địa bàn mình phụ trách. Phối hợp với các cơ quan tố tụng xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm về phòng cháy chữa cháy kịp thời, nhanh chóng nhằm răn đe giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
N.Dũng - Viện KSND tỉnh