Kinh nghiệm và giải pháp "Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại"
Ngày đăng: 30/10/2019 8691 lượt xem

Trong quá trình xét xử vụ án dân sự, kinh doanh thương mại…, nếu có căn cứ được pháp luật quy định tại Điều 214 Bộ luật TTDS năm 2015, thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Viện kiểm sát (VKS) có trách nhiệm kiểm sát quyết định tạm đình chỉ của Tòa án. Quy định này để đảm bảo việc xem xét chứng cứ chính xác, toàn diện, bảo đảm quyền tranh tụng của đương sự tại phiên tòa và phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, thông qua công tác kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm, do VKS cùng cấp gửi về VKS tỉnh thấy rằng: Hiện nay, công tác kiểm sát đối với quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án của VKS cấp huyện cho thấy còn chưa kiểm sát chặt chẽ, chưa chủ động phát hiện kịp thời vi phạm của Tòa án trong việc ban hành quyết định tạm đình chỉ, lý do tạm đình chỉ chưa phù hợp quy định của Bộ luật TTDS.

Vụ việc sau đây là một ví dụ: Vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa: Nguyên đơn là Ngân hàng BV khởi kiện yêu cầu Tòa án PT xét xử buộc bị đơn là Cty CTMCty TA trả nợ vay và nợ lãi tổng cộng 34.308.258.806 đồng, cùng tiền lãi phát sinh sau ngày 24/10/2018 đến khi thanh toán xong nợ. Nếu Cty TA và Cty CTM không trả được nợ, thì Ngân hàng BV phát mãi tài sản thế chấp (kể cả tài sản hình thành trong tương lai phát sinh từ tài sản thế chấp), để thu hồi nợ theo thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.

 Trong quá trình giải quyết, Tòa án đã 03 lần ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, với lý do như sau:

- Quyết định tạm đình chỉ số 05 ngày 31/10/2017, với lý do “bị đơn (Cty CTM) khai trên thửa đất thế chấp bị đơn xây dựng một số công trình mới…Cty CTM có đơn yêu cầu định giá tài sản thế chấp theo giá thị trường, cho đến nay Tòa án chưa nhận được kết quả thẩm định giá …”;

- Quyết định tạm đình chỉ số 15 ngày 12/3/2018, với lý do “cần phải đợi kết quả định giá tài sản theo giá thị trường …”;

- Quyết định tạm đình chỉ số 86 ngày 06/9/2019, với lý do “phiên tòa ngày 06/8/2019 tạm ngừng vì Cty CTM nộp cho Hội đồng xét xử đơn của ông Nguyễn Đức L là cổ đông của Cty đề nghị Cty CTM kiểm tra, xác minh làm rõ việc giả mạo chữ ký của ông L trong biên bản họp HĐQT và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Cty về việc thống nhất vay vốn của Ngân hàng BV; nên cần xác minh, thu thập thêm tài liệu chứng cứ liên quan đến cổ đông của Cty CTM. Nay đã hết 01 tháng kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa, nhưng lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục.

Vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Nhận thấy, lý do mà Tòa án ban hành các Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên, là không có căn cứ pháp luật vì:

- Về nội dung: Đối tượng tranh chấp mà nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết là buộc bị đơn phải trả nợ vay cùng tiền lãi phát sinh theo HĐ tín dụng đã ký; còn tài sản thế chấp bảo lãnh tiền vay (kể cả tài sản hình thành trong tương lai), các đương sự đã thống nhất tổng tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn nghĩa vụ trả nợ của bị đơn và toàn bộ tài sản thế chấp vẫn đang do bị đơn quản lý, sử dụng. Việc Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án để định giá tài sản thế chấp, là không phù hợp. Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật TTDS, thì chỉ định giá, thẩm định giá đối với tài sản tranh chấp.

+ Về hiệu lực của Kết quả định giá chỉ có giá trị trong một thời hạn nhất định, theo thời điểm giải quyết vụ án. Mặc khác, việc xử lý tài sản thế chấp chỉ được thực hiện khi bên có nghĩa vụ không thực hiện việc trả nợ hoặc trả nợ không đầy đủ, thì bị kê biên và bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự.

* Điều 90 Luật THA, quy định Kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp “Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”.

+ Việc cổ đông Nguyễn Đức L đề nghị Cty CTM kiểm tra, xác minh làm rõ việc giả mạo chữ ký của ông L trong biên bản họp HĐQT và biên bản họp Đại hội đồng cổ đông liên quan vấn đề vay vốn của Ngân hàng BV. Đây là việc tranh chấp nội bộ giữa Cty CTM với các thành viên trong Cty, kết quả giải quyết này không liên quan tới nghĩa vụ trả nợ của Cty CTM với Ngân hàng BV, vì Ngân hàng cho Cty CTM vay thông qua các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản do người đại diện theo pháp luật của Cty CTM ký. Do vậy, QĐ tạm đình chỉ của Tòa án PT, với lý do “cần xác minh, thu thập thêm tài liệu chứng cứ liên quan đến cổ đông của Cty CTM”, là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp số 68/2004/QH13, tại Điều 13 quy định quyền của người đại diện theo pháp luật của Doanh nghiệp: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật” và Điều 51 quy định về nghĩa vụ của thành viên Cty TNHH “Góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của Cty trong phạm vi số vốn đã góp vào Cty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 48 của Luật này”.

- Về hình thức: Các Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án nêu trên, ghi lý do tạm đình chỉ chung chung, không viện dẫn được lý do của việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án thuộc trường hợp cụ thể nào quy định tại Điều 214 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; là ban hành QĐ không đúng Mẫu số 42 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

Từ thực tiễn công tác, tác giả nêu một số kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, KDTM …, góp phần hạn chế tình trạng Tòa án vận dụng quy định của pháp luật không chính xác, kéo dài thời hạn giải quyết, gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự:

Thứ nhất, quyết định tạm đình chỉ là một trong những quyết định thuộc thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát. Sau khi nhận được quyết định tạm đình chỉ của Tòa án chuyển sang thì Viện kiểm sát cần thực hiện quyền yêu cầu Tòa án cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nghiên cứu, đảm bảo lý do tạm đình chỉ của Tòa án là có căn cứ, đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo thực hiện chức năng kiểm sát của Viện kiểm sát để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Viện kháng nghị đối với quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự.

- Thứ hai, cùng với việc kiểm sát về căn cứ, thẩm quyền, nội dung quyết định tạm đình chỉ của Tòa án, thì KSV phải kiểm sát về hình thức của quyết định quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao;

Kiểm sát viên phải lập phiếu kiểm sát đúng Mẫu số 14 theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện KSND tối cao và gửi kết quả kiểm sát cho VKS cấp trên theo quy định tại Điều 26 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự (Ban hành kèm theo QĐ số 364 ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao);

- Thứ ba, cần nhận thức đầy đủ về quy định thế chấp tài sản tại Tiểu mục 3 Phần thứ ba nghĩa vụ và Hợp đồng Chương XV quy định chung của Bộ luật dân sự 2015; quy định về định giá tài sản tại Điều 104 Bộ luật TTDS và việc xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự.

- Thứ tư, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của VKS; ý thức trách nhiệm công vụ, vận dụng linh hoạt, có hiệu quả khi thực hiện công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, … theo quy định của pháp luật.

- Thứ năm, Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm, chỉ đạo sát sao, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra rút kinh nghiệm đối với khâu công tác này. Hàng năm, các đơn vị phải xác định được nội dung trọng tâm, đề ra các giải pháp cụ thể, đồng thời chọn điểm còn yếu, chưa tốt làm khâu đột phá để thực hiện có hiệu qủa công tác kiểm sát nhằm nâng cao chất lượng công tác.

Trên đây là một số kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát quyết định tạm đình chỉ của Tòa án, để đồng nghiệp tham khảo trong quá trình thực hiện chức năng Kiểm sát, nhằm đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình hiện nay./.

Phạm Xảnh

Phòng 10 Viện KSND tỉnh Bình Thuận.

 

 

24-12-2024
84 lượt xem
Thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam trong vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam
24-12-2024
26 lượt xem
Tánh Linh: Kiểm sát việc cưỡng chế thi hành án dân sự
06-12-2024
179 lượt xem
Tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm giữa cơ quan CSĐT và VKSND cùng cấp
02-12-2024
109 lượt xem
Kiểm sát cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất
21-11-2024
157 lượt xem
Công bố kết luận trực tiếp kiểm sát Chi cục Thi hành án dân sự
15-11-2024
201 lượt xem
Tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website