Luân chuyển, điều động cán bộ là một trong những nội dung quan trọng trong công tác cán bộ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như tạo điều kiện cho cán bộ thay đổi môi trường công tác, được tích lũy thêm kinh nghiệm, rèn luyện thử thách qua thực tiễn công tác. Xác định tầm quan trọng của công tác cán bộ, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ nói chung và công tác điều động, luân chuyển nói riêng, cụ thể như: Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị định số 158/2007/NĐ- CP ngày 27/10/2007, Nghị định 150/2013/NĐ-CP ngày 01/11/2013 của Chính Phủ về việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức… và mới đây nhất Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 98-QĐ/TW ngày 07/10/2017 về luân chuyển cán bộ, đây là quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện về công tác luân chuyển, điều động công chức trong Ngành kiểm sát nhân dân. Qua đó đã giúp cho cán bộ, công chức trong Ngành phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, đồng thời khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ đáp ứng được yêu cầu về công tác cán bộ trước mắt và lâu dài của Ngành.
Viện kiểm sát nhân nhân tỉnh Bình Thuận cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động theo chủ trương của Đảng và của Ngành. Từ năm 2015 đến 06 tháng đầu năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định điều động, chuyển đổi vị trí công tác 84 công chức, Kiểm sát viên. Các trường hợp luân chuyển, điều động đều nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới, cùng tập thể xây dựng được bầu không khí làm việc dân chủ, đoàn kết và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác luân chuyển, điều động vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nhất định, như: Các trường hợp luân chuyển, điều động từ huyện lên tỉnh và ngược lại do điều kiện đi lại khó khăn nên hầu hết các cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động đều ở lại nơi công tác nhưng không có chế độ chính sách để hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như tâm lý e ngại của cán bộ, công chức.
Hiện nay, tại địa phương có quy định về chính sách luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức, tuy nhiên các đối tượng được hưởng chính sách này là những cán bộ, công chức do Ban Thường vụ và Chủ tịch UBND tỉnh ở địa phương quyết định điều động, luân chuyển. Ngành kiểm sát không thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo quy định của địa phương.
Để tạo điều kiện cho cán bộ công chức được luân chuyển, điều động an tâm công tác cũng như khuyến khích, động viên những đối tượng này không còn tâm lý e ngại không muốn chuyển đến công tác ở một số huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn… thiết nghĩ Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần ban hành quy định về chính sách điều động, luân chuyển công chức Ngành kiểm sát nhân dân./.
Nguyễn Thị Hường
Phòng 15 VKSND tỉnh