Một số giải pháp phòng, chống oan, sai trong công tác kiểm sát điều tra án hình sự
Ngày đăng: 27/07/2017 10897 lượt xem

Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề oan, sai, trong công tác kiểm sát điều tra án hình sự. Chính vì vậy, Viện kiểm sát có chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Với chức năng, nhiệm vụ đó, Viện kiểm sát giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn điều tra, đảm bảo tính pháp chế của hoạt động điều tra, ngay từ khi khởi tố, bắt giữ người phạm tội, yêu cầu điều tra thu thập chứng cứ cho đến khi kết thúc điều tra nhằm làm rõ toàn bộ sự thật khách quan của vụ án, nhằm mục đích phát hiện nhanh chóng, chính xác, điều tra để truy tố mọi tội phạm. Đảm bảo tính chính xác, khách quan của quá trình chứng minh sự thật của vụ án hình sự; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự có căn cứ và hợp pháp, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, ngăn ngừa xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội. Đây cũng chính là điểm đích của công cuộc cải cách tư pháp để bảo vệ quyền con người và công lý.

 

(ảnh Viện kiểm sát tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường)

 

Công tác kiểm sát điều tra là một trong những công tác quan trọng nhất. Để phòng, chống oan, sai: Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can chuyển đến VKS, Kiểm sát viên được phân công phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, đọc kỹ từng lời khai của bị can, người bị hại, người làm chứng, người liên quan và các tài liệu chứng cứ khác, nếu thiếu chứng cứ Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu bổ sung chứng cứ từng nội dung cụ thể, rõ ràng trình lãnh đạo để ban hành văn bản, yêu cầu Điều tra viên điều tra làm rõ, bổ sung chứng cứ. Khi có đầy đủ tài liệu, chứng cứ buộc tội và gỡ tội lúc đó mới xem xét để quyết định phê chuẩn hay không phê chuẩn.

 

Kiểm sát viên phải luôn luôn chủ động, bám sát Điều tra viên thụ lý vụ án để cập nhật thông tin, tiến độ điều tra của vụ án, nắm rõ nội dung diễn biến chi tiết của vụ án, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà Cơ quan cảnh sát điều tra đã điều tra thu thập, phải đọc kỹ từng lời khai của bị can, người bị hại, người làm chứng, người liên quan và các tài liệu chứng cứ khác và đem ra những tình huống có thế bị can chối tội hay nhận tội thay để kịp thời yêu cầu Điều tra viên điều tra làm rõ, kiểm sát chặt chẽ về mặt chứng cứ buộc tội và gỡ tội, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm thiếu sót của Điều tra viên thụ lý vụ án, để đề ra yêu cầu điều tra chính xác giúp cho Điều tra viên điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bị can tránh được oan sai và bỏ lọt tội phạm. Nghiên cứu kỹ hồ sơ đánh giá một cách khách quan toàn diện của vụ án, kiểm tra kỹ các tài liệu thu thập được có trong hồ sơ vụ án có đúng theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự quy định không,  kể cả về mặt thủ tục pháp lý của hồ sơ vụ án. Chủ động báo cáo tiến độ điều tra và những khó khăn, vướng mắc cho lãnh đạo phụ trách để chỉ đạo kịp thời.

Trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra chuẩn bị kết thúc điều tra 10 ngày, Kiểm sát viên phải trực tiếp gặp Điều tra viên thụ lý vụ án để kiểm sát hồ sơ xem xét lại các tài liệu có trong hồ sơ đã đầy đủ chứng cứ buộc tội, gỡ tội, cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các tài liệu chứng cứ khác để kịp thời trao đổi với Điều tra viên bổ sung, sau đó Cơ quan cảnh sát điều tra mới  ra kết luận điều tra chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát truy tố. Từ đó vụ án mới không quá hạn luật định và không có trường hợp phải trả hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ, cũng như tránh được oan, sai.

 

Khi vụ án đã kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động phúc cung bị can, kiểm tra lại lời khai mà bị can đã khai tại Cơ quan Cảnh sát điều tra (xem có vấn đề gì phát sinh, để kịp thời xử lý). Sau đó mới dự thảo Cáo trạng trình Viện trưởng.

 

Từ thực tiễn nghiên cứu, giải quyết án hình sự, bản thân đã rút ra một số giải pháp để hạn chế tình trạng oan, sai và bỏ lọt tội phạm như sau:

 

1/ Phải làm kỹ, chặt chẽ ở giai đoạn tin báo. Kiểm sát viên phải chủ động nghiên cứu kỹ hồ sơ tin báo đề ra yêu cầu xác minh tin báo một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết đúng trọng tâm và đôn đốc Điều tra viên xác minh làm ngay những nội dung yêu cầu xác minh tin báo nếu phát sinh tình tiết mới thì tiếp tục yêu cầu xác minh. Cứ 3 ngày kiểm sát một lần (tránh trường hợp Điều tra viên bỏ quên hoặc không tích cực làm, đến khi hết thời hạn tin báo thì vội vàng khởi tố chuyển đến Viện kiểm sát và Viện kiểm sát lại tiếp tục yêu cầu bổ sung chứng cứ làm kéo dài thời hạn điều tra, mặt khác quá trình điều tra cũng không được chặt chẽ  dễ dẫn đến tình trạng oan, sai).

 

2/ Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, phải đọc kỹ từng lời khai của bị can, người bị hại, người làm chứng, người liên quan và các tài liệu chứng cứ khác, Kiểm sát viên phải trích cứu ra những mâu thuẫn trong từng lời khai để chỉ ra cho Điều tra viên thấy và phải điều tra làm sáng tỏ (Bởi vì chính những mâu thuẫn này mà khi bị can chối tội, phản cung, thì KSV không có căn cứ để phản bác, cũng chính những mâu thuẫn này mà Điều tra viên không điều tra làm rõ cũng có thể xảy ra oan, sai).

 

3/ Kiểm sát viên phải luôn đặt ra những tình huống bị can phản cung nhất là những vụ án chỉ có duy nhất lời khai của bị can. Nếu bị can phản cung thì lấy căn cứ, chứng cứ nào  để ràng buộc chứng minh bị can phạm tội, từ đó đề ra yêu cầu Điều tra viên, điều tra thu thập thêm chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can và nhất là quá trình điều tra yêu cầu Điều tra viên phải cho bị can viết nhiều bản tự khai với nhiều thời gian khác nhau.

4/ Đối với bị can không biết chữ thì khi lấy lời khai và hỏi cung bị can phải có người chứng kiến ký xác nhận vào biên bản.

 

5/ Nghiên cứu hồ sơ phải đánh giá phân tích đối chiếu từng lời khai của bị can, người bị hại, người chứng kiến, người liên quan có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ, vật chứng thu giữ, nếu không phù hợp thì phải kịp thời yêu cầu Điều tra viên điều tra làm rõ (Tránh trường hợp bị can nhận tội thay và bắt giữ oan, sai).

 

6/ Khi Cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố bị can đề nghị phê chuẩn thì Kiểm sát viên phải trực tiếp lấy lời khai bị can, kiểm tra lại lời khai của bị can đã khai tại Cơ quan điều tra (Nhằm tránh được những lời khai của bị can mà Điều tra viên thu thập chuyển đến Viện kiểm sát nghiên cứu để phê chuẩn là không đúng).

 

7/ Trong giai đoạn kiểm sát điều tra không những phải nắm vững pháp luật về hình sự, pháp luật tố tụng hình sự và các ngành luật khác có liên quan mà còn phải nắm vững các quy định hướng dẫn về nghiệp vụ của ngành, các nghị quyết, thông tư liên ngành. Thường xuyên nghiên cứu các văn  bản liên quan đến hình sự, các thông báo rút kinh nghiệm của Viện kiểm sát cấp trên. Luôn tìm tòi tham khảo các vụ án hình sự phức tạp đã được điều tra – xét xử ở các tỉnh, thành phố, từ đó có những bài học để đúc rút kinh nghiệm cho những vụ án khác tránh được những sai sót, oan, sai.

 

Như vậy, để thực hiện tốt việc phòng, chống oan, sai trong công tác kiểm sát điều tra án hình sự không để oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Nên khi nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên phải nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện vụ án từ mặt thủ tục pháp lý đến chứng cứ buộc tội, gỡ tội. Kiểm sát viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải tích cực, chịu khó học tập, luôn cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.  

 

Trên đây là một số giải pháp phòng, chống oan, sai trong công tác kiểm sát điều tra án hình sự nhằm nâng cao chất lượng, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trong thời gian tới, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, mong các đồng chí tham khảo và đóng góp ý kiến!

 

                                        Đinh Thanh Nhàn

                                                  KSV -  VKSND huyện Tánh Linh

 

 

 

06-12-2024
164 lượt xem
Tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm giữa cơ quan CSĐT và VKSND cùng cấp
02-12-2024
99 lượt xem
Kiểm sát cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất
21-11-2024
151 lượt xem
Công bố kết luận trực tiếp kiểm sát Chi cục Thi hành án dân sự
15-11-2024
199 lượt xem
Tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
12-11-2024
269 lượt xem
Tuyên truyền pháp luật về tội Tàng trữ hàng cấm “Pháo nổ”
05-11-2024
340 lượt xem
Phiên toà giả định hưởng ứng ngày pháp luật Việt Nam
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website