Những năm qua, tỉnh được đánh giá là địa phương phát triển năng động với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra nhanh, nhất là tại các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút một lượng lớn công nhân, lao động nhập cư làm việc. Cùng với sự phát triển kinh tế, các tranh chấp dân sự, hành chính tại địa phương cũng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Số lượng vụ việc tăng cao, tính chất phức tạp hơn
Trong năm 2023, Phòng Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật (Phòng 9) đã kiểm sát thụ lý, giải quyết 532 vụ việc. Trong đó, việc kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, đặc biệt là các vụ án liên quan đến tranh chấp về đất đai là lĩnh vực rất phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến số vụ án ngày càng tăng và phức tạp là do trong những năm gần đây tỉnh Bình Thuận thực hiện thu hồi đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị và triển khai một số dự án lớn để phát triển kinh tế địa phương. Nhưng việc quản lý đất đai của địa phương nhiều năm trước còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp người sử dụng đất trước đây được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với hiện trạng sử dụng đất nhưng người sử dụng đất không biết và vẫn sử dụng, nộp thuế. Đến khi thu hồi đất gặp khó khăn trong việc xác định loại đất và xét tính pháp lý về quá trình sử dụng đất của người có đất bị thu hồi chưa sát với thực tiễn dẫn đến phát sinh khiếu kiện. Bất cập lớn nhất hiện nay liên quan đến giá đất, phần lớn vụ án hành chính khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đều liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư mà chủ yếu do giá đền bù thấp so với thực tế gây bức xúc cho người bị thu hồi đất và dễ phát sinh các điểm nóng về khiếu kiện.
Trong khi đó, hệ thống luật và các văn bản pháp luật có liên quan ở từng lĩnh vực hành chính, việc giải quyết khiếu nại tố cáo tại các cơ quan hành chính chưa được triệt để, còn kéo dài, dẫn đến khiếu kiện nhiều. Các chính sách pháp luật về đất đai, nhà ở, hôn nhân và gia đình, dân sự có nhiều thay đổi. Một số văn bản pháp luật chưa rõ ràng nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, việc xem xét, thẩm định đất tranh chấp vẫn còn gặp khó khăn do đương sự không hợp tác, cản trở. Trong nhiều vụ việc dân sự, đương sự cung cấp chứng cứ không đầy đủ, cố tình không cung cấp chứng cứ hoặc trốn tránh, không hợp tác. Trong một số vụ án, địa chỉ của các đương sự có nhiều thay đổi gây khó khăn cho việc tống đạt các văn bản tố tụng; việc cử người đại diện tham gia tố tụng, cung cấp ý kiến, tài liệu chứng cứ trong vụ án hành chính của một số cơ quan nhà nước còn chậm trễ...
Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm
Xác định hoạt động kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án là một trong những nhiệm vụ chính, quan trọng và thường xuyên, Phòng 9 đã chọn công tác kháng nghị phúc thẩm làm công tác đột phá của đơn vị, gắn với chỉ tiêu thi đua hàng năm nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Ngay từ đầu năm, Phòng 9 đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng kiểm sát viên, cán bộ và thông báo bằng văn bản đến Viện kiểm sát cấp huyện cùng các phòng nghiệp vụ có liên quan để phối hợp thực hiện và xác định đó làm tiêu chí đánh, xếp loại thi đua. Đồng thời, giao công việc hợp lý dựa trên năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác thực tiễn của từng kiểm sát viên, cán bộ và có sự kiểm tra, đôn đốc thực hiện của lãnh đạo; phân công kiểm sát viên sơ cấp, cán bộ giúp việc cho kiểm sát viên trung cấp, qua đó đã tạo điều kiện cho việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, đến nay kiểm sát viên, cán bộ trong đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các vụ việc dân sự, đặc biệt là tranh chấp liên quan đến đất đai gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp. Trong khi đó, số lượng biên chế phân bổ làm công tác dân sự chưa đáp ứng nhu cầu nên cán bộ Phòng 9, có lúc phải làm việc ngoài giờ hành chính để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong quá trình kiểm sát, kiểm sát viên bám sát tiến độ, kịp thời phát hiện vi phạm, thiếu sót của Tòa án để tham mưu lãnh đạo đơn vị thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị. Kết quả, trong năm 2023, thông qua công tác kiểm sát thụ lý, giải quyết các vụ việc, Phòng 9 đã ban hành 33 văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ đối với những vụ, việc thu thập chứng cứ chưa đầy đủ. 33 văn bản này đều được Tòa án chấp nhận. Đồng thời, Phòng 9 đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành 6 kháng nghị phúc thẩm ngang cấp và 7 kháng nghị phúc thẩm trên cấp đối với các vụ án có vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết tại cấp sơ thẩm. Việc Phòng 9 đã tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh ban hành kháng nghị kịp thời, có căn cứ pháp luật đã góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đồng thời bảo vệ các hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước tại địa phương.
Nhờ những thành tích đạt được, năm 2022, Phòng 9 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen do đã có thành tích 5 năm liền đạt tập thể lao động xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội vào bảo vệ Tổ quốc. Năm 2023, phòng 9 được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong: “Thực hiện phong trào ngành KSND thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức ngành KSND thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 – 2025”; Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng “Cờ dẫn đầu khối thi đua năm 2023”.
MAI VÂN