Rút kinh nghiệm công tác Kiểm sát quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; quyết định công nhận thuận tình ly hôn
Ngày đăng: 27/05/2020 7201 lượt xem

Thông qua công tác Kiểm sát bản án, quyết định theo thủ tục phúc thẩm; thấy rằng một số quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm ban hành trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình không phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (Bộ luật TTDS). Tác giả xin nêu lên một số ví dụ cụ thể, để đồng nghiệp cùng bạn đọc nghiên cứu, trao đổi rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

1 - Tòa án ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không thuộc các căn cứ quy định tại Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự. Điển hình:

1.1 - Tóm tắt nội dung và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

- Vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa: nguyên đơn Nguyễn Văn B với bị đơn Nguyễn L.R và vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung” giữa: nguyên đơn Trần T.T với bị đơn Võ T.H cả hai vụ án đều được TAND ĐL thụ lý giải quyết.

Trong quá trình giải quyết, Tòa án sơ thẩm ban hành văn bản yêu cầu nguyên đơn cung cấp cho Tòa án chứng cứ thể hiện sơ đồ hiện trạng diện tích đất đang tranh chấp; thời hạn cung cấp chứng cứ là 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Nếu không thực hiện được thì phải có văn bản thông báo cho Tòa án biết.

Ngày 26/02/2020, nguyên đơn có văn bản đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: “Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện đã tiến hành thủ tục đo đạc, nhưng chưa có kết quả nộp cho Tòa án”. Cùng ngày 26/02/2020, Tòa án có công văn số 47 và số 48, yêu cầu Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện sớm trả kết quả cho đương sự để nộp cho Tòa án.

- Ngày 26/02/2020, Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định số 08 và số 09 tạm đình chỉ giải quyết 02 vụ án nêu trên với lý do: “cần đợi nguyên đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được và nguyên đơn có đơn đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án, theo quy định tại khoản 18 Điều 70, điểm h khoản 1 Điều 214 Bộ luật tố tụng dân sự”.

1.2 - Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

- Một là, Tòa án ban hành Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án không đúng với các căn cứ quy định tại Điều 214 Bộ luật TTDS vì:

+ Tại khoản 5, 6 Điều 6 và khoản 7 Điều 70, Điều 91, Điều 96 Bộ luật TTDS quy định: Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình; nếu đương sự không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ, thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ. Trường hợp đương sự có yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được thì Tòa án phải ban hành quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó nhưng hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà chưa có kết quả, thì Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 214 Bộ luật TTDS (Cần đợi cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án mới giải quyết được vụ án). Tuy nhiên, cả hai vụ án nêu trên các đương sự không có đề nghị Tòa án hỗ trợ trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ nên Tòa án giải quyết vụ án theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ và đương sự phải chịu hậu quả pháp lý theo quy định tại khoản 4 Điều 91 Bộ luật TTDS.

Như phân tích ở trên, Tòa án chỉ ra Quyết định yêu cầu cung cấp chứng cứ, đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là đương sự tham gia tố tụng trong vụ án được giải quyết. Nhưng Tòa án sơ thẩm ra quyết định yêu cầu nguyên đơn cung cấp chứng cứ đã vi phạm quy định tại điểm g khoản 2 và khoản 3 Điều 97 Bộ luật TTDS.

+ Việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 214 Bộ luật TTDS “Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định”, được hiểu là các trường hợp làm căn cứ cho Toà án ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà trong Bộ luật TTDS này chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi Bộ luật TTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó (Tham chiếu hướng dẫn tại khoản 6 Điều 22 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP). Theo đó Bộ luật TTDS và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật TTDS đều không quy định việc tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do “cần đợi nguyên đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ…”.

- Hai là, đối với vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung” giữa nguyên đơn Trần T.T với bị đơn Võ T.H, thời hạn giải quyết vụ án không quá 06 tháng (kể cả gia hạn). Lẽ ra Tòa án phải ra quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử 02 tháng để đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ, nhưng Tòa án không gia hạn mà ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, Tòa án đã ban hành quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong khi chưa hết thời hạn chuẩn bị xét xử là không phù hợp hợp quy định tại Điều 203 Bộ luật TTDS.

2 - Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình không đúng quy định tại Điều 214 Bộ luật TTDS.

2.1 - Tóm tắt nội dung và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm:

- Vụ án thứ nhất: “Tranh chấp ly hôn” giữa nguyên đơn Võ Thị Q với bị đơn Mai Văn N vì nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện nên Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

- Vụ án thứ hai: “Tranh chấp ly hôn, tranh chấp nuôi con” giữa nguyên đơn Nguyễn Thị H với bị đơn Lê Văn T. Trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết thì nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện (rút phần tranh chấp nuôi con). Ngày 28/2/2020 Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết một phần vụ án dân sự. Theo đó: đình chỉ giải quyết phần tranh chấp nuôi con, theo điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS.

- Vụ án thứ ba: “Tranh chấp ly hôn, tranh chấp nuôi con” giữa nguyên đơn Lê Minh H với bị đơn Lê Thu H. Trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết thì nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện (rút phần tranh chấp nuôi con). Ngày 25/02/2020 Tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, tuy nhiên ở phần quyết định ghi “đình chỉ giải quyết một phần vụ án ly hôn, tranh chấp nuôi con”, theo điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS.

2.2 - Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

- Vụ án thứ nhất: Tòa án áp dụng căn cứ đình chỉ, theo điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS là có căn cứ. Tuy nhiên, tại phần quyết định lại ghi “đình chỉ giải quyết một phần vụ án ly hôn…” là không đúng, bởi nguyên đơn đã rút yêu cầu khởi kiện. Vì vậy, trường hợp này phải ghi là “đình chỉ giải quyết vụ án …”.

- Đối với vụ án thứ hai và thứ ba:

+ Về hình thức của Quyết định đình chỉ: Đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện nhưng Tòa án ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo Mẫu số 45-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) là áp dụng không đúng biểu mẫu của Tòa án nhân dân tối cao.

Riêng vụ án “Tranh chấp ly hôn, tranh chấp nuôi con” giữa nguyên đơn Lê Minh H với bị đơn Lê Thu H. Tại phần quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ghi chung chung là đình chỉ giải quyết một phần vụ án “Ly hôn, tranh chấp nuôi con” là không đúng. Lẽ ra phải ghi rõ là đình chỉ giải quyết đối với phần tranh chấp nuôi con mới đúng với yêu cầu của đương sự.

+ Về căn cứ pháp luật áp dụng ban hành Quyết định đình chỉ: Đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện, nhưng Tòa án áp dụng điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS là không đúng pháp luật. Bởi đây là căn cứ để ban hành quyết định đình chỉ giải quyết cả vụ án khi đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Trường hợp đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện thì Tòa án không phải ban hành quyết định đình chỉ đối với phần yêu cầu đã rút mà Hội đồng xét xử nhận định về việc người khởi kiện rút một phần yêu cầu khởi kiện và quyết định đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện đó trong bản án, theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại mục 15 giải đáp số 02 ngày 19/9/2018 và căn cứ pháp luật áp dụng để đình chỉ đối với phần yêu cầu đã rút là khoản 2 Điều 244 Bộ luật TTDS.

3 - Tòa án quyết định án phí đối với trường hợp thuận tình ly hôn không đúng pháp luật.

Qua kiểm tra một số Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự, do Tòa án nhân dân cấp huyện ban hành thấy rằng: Tại biên bản ghi nhận sự tự nguyện thuận tình ly hôn và hòa giải thành, thể hiện các đương sự không có thỏa thuận về việc nguyên đơn hay bị đơn phải chịu án phí ly hôn. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm buộc nguyên đơn phải chịu 150.000 đồng án phí sơ thẩm đã vi phạm khoản 4 Điều 147 Bộ luật TTDS, điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao tại văn bản số 72/TANDTC-PC ngày 11/4/2017. Theo đó: Trường hợp thuận tình ly hôn nhưng không có sự thỏa thuận về nghĩa vụ chịu án phí, thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí (tức mỗi đương sự phải chịu 75.000 đồng án phí).

Từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình của Viện KSND cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn nhiều quyết định của TAND cấp sơ thẩm ban hành có sai sót, nhưng không được kịp thời phát hiện, đồng thời chưa thực hiện đúng quy định về thời hạn gửi Quyết định chưa có hiệu lực cho Viện kiểm sát cấp trên theo quy định tại tiết 2.4.1 tiểu mục 2.4 mục 2 Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, dẫn đến hết thời hiệu kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết các vụ án nêu trên theo quy định tại khoản 4 Điều 215, khoản 4 Điều 218, khoản 2 Điều 280 Bộ luật TTDS.

Để đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của năm 2020. Tác giả xin nêu ra một số giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng và công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung, như sau:

- Một là, lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện và công chức phòng nghiệp vụ trực thuộc Viện kiểm sát tỉnh gắn trách nhiệm cá nhân với chất lượng, hiệu quả công tác của đơn vị được phân công phụ trách theo dõi.

- Hai là, thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề, thảo luận về các vụ án có khó khăn vướng mắc tại đơn vị, nhằm mục đích tự đào tạo để cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên học tập và nắm chắc những quy định của pháp luật; Quy định về quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (Ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng Viện KSND tối cao); Quy chế nghiệp vụ cùng các Thông báo rút kinh nghiệm của Ngành; nắm chắc chức năng, nhiệm vụ khi thực hiện công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện KSND tối cao, nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

- Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới thông qua việc trao đổi nghiệp vụ, thỉnh thị xin ý kiến, báo cáo thông tin vi phạm trong hoạt động ban hành bản án, quyết định của Tòa án để kịp thời thực hiện các quyền năng của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình;

- Bốn là, tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát và Tòa án để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác. Phối hợp với Tòa án để tổ chức có hiệu quả các phiên tòa rút kinh nghiệm.

- Năm là, Viện kiểm sát cấp trên tăng cường hoạt động tổng hợp những vướng mắc, khó khăn của Viện kiểm sát cấp huyện để tham mưu cho lãnh đạo Viện cho ý kiến chỉ đạo, giải quyết. Thông báo kịp thời những vụ việc bị Tòa án cấp trên hủy, sửa để rút kinh nghiệm chung nhằm khắc phục những vấn đề tồn tại, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát trong thời gian tới nhằm  đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

 

 

Phạm Xảnh

Phòng 9 Viện KSND tỉnh Bình Thuận

 

 

16-09-2024
181 lượt xem
Phối hợp tổ chức Tết Trung thu tại khu vực vùng có điều kiện khó khăn
17-09-2024
65 lượt xem
Phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến
13-09-2024
117 lượt xem
Phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến
10-09-2024
124 lượt xem
Kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên tài sản để thi hành án.
09-09-2024
99 lượt xem
Phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp
04-09-2024
224 lượt xem
Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử vụ án Cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website