Thông qua công tác kiểm sát các quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện, về việc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Viện kiểm sát tỉnh, nhận thấy: có một số vi phạm của Tòa án chưa được Viện kiểm sát cấp huyện phát hiện để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị. Dưới đây, là tổng hợp một số dạng vi phạm điển hình, để các Kiểm sát viên có thể nhận diện và chú ý khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân:
- Một là, Thời hạn mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; được quy định tại khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sau đây viết và gọi tắt là Pháp lệnh số 09), là : “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp Tòa án mở phiên họp quá thời hạn 07 ngày làm việc;
- Hai là, Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 110 Luật xử lý vi phạm hành chính, quy định thì: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Công an cấp huyện đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhưng Tòa án lại giao cho: “Cơ sở cai nghiện ma túy có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”; là không đúng quy định.
- Ba là, Khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh số 09, quy định: “Thời hạn khiếu nại của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính,… là 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án công bố quyết định; trường hợp họ vắng mặt tại phiên họp thì thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án”. Tuy nhiên, có trường hợp người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có mặt tại phiên họp, nhưng Tòa án lại tuyên quyền khiếu nại của họ trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định; đã vi phạm khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh số 09.
- Bốn là, Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, không viện dẫn cụ thể Điều luật nào trong Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Pháp lệnh số 09, được làm căn cứ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm; đã vi phạm điểm h khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh số 09.
Những vi phạm nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm đã được Viện kiểm sát tỉnh kiến nghị yêu cầu Tòa án chấn chỉnh khắc phục, nhằm ngăn ngừa không để xảy ra những vi phạm tượng tự./.
PHÒNG 10 - VIỆN KSND TỈNH BÌNH THUẬN