Qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự cũng như theo dõi, kiểm tra công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự của các VKSND cấp huyện trong thời gian qua, Viện KSND tỉnh Bình Thuận nhận thấy cần thông báo rút kinh nghiệm một số vấn đề, cụ thể như sau:
1/ Về việc xác định chứng cứ
Việc thu thập, xác định và sử dụng chứng cứ là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc giải quyết các vụ án dân sự.
Điều 93 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do BLTTDS 2015 quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.
Khoản 1 Điều 95 BLTTDS quy định: Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
Như vậy, trong trường hợp tài liệu được giao nộp, cung cấp không phải là bản chính hoặc không phải bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp thì phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.
Theo khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp thì người thực hiện chứng thực là Trưởng phòng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; công chứng viên của Phòng công chứng, Văn phòng công chứng; viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự của Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Chỉ những người được quy định nêu trên mới có quyền chứng thực hợp pháp đối với các tài liệu. Đây là các căn cứ đầu tiên nhằm đảm bảo tính khách quan để Tòa án xác định tài liệu này là chứng cứ và sử dụng để chứng minh trong vụ án dân sự.
Ngoài ra, trường hợp tài liệu được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận thì các cơ quan, tổ chức này phải được pháp luật quy định và thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Bên cạnh việc đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ thì việc Tòa án tiếp nhận cũng phải đảm bảo trình tự, thủ tục do BLTTDS 2015 quy định.
Theo khoản 2 Điều 96 BLTTDS: Việc đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.
Khoản 5 Điều 97 BLTTDS quy định: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ, Tòa án phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Việc Tòa án lập biên bản ghi rõ các nội dung cụ thể như quy định tại khoản 2 Điều 96 BLTTDS sẽ giúp xác định giá trị của tài liệu, chứng cứ.
Việc ghi rõ thời gian giao nộp cũng sẽ làm rõ việc chứng cứ này đã được Tòa án công khai cho các bên đương sự hay chưa và việc công khai chứng cứ này có đảm bảo đúng quy định tại khoản 5 Điều 97 BLTTDS hay không. Từ đó xác định được những người tham gia tố tụng có được đảm bảo quyền lợi và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hay không.
2/ Việc kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ
Những vi phạm trong giao nộp, thu thập và sử dụng chứng cứ thường là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Do đó, trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, Kiểm sát viên phải chú trọng kiểm tra việc giao nộp, thu thập và sử dụng chứng cứ đảm bảo trình tự, thủ tục do BLTTDS 2015 quy định. Cần kiểm sát nắm vững các quy định của BLTTDS cũng như nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình được quy định tại Quy chế Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự ban hành kèm thei Quyết định 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện KSNDTC (gọi tắt là Quy chế 364).
Điều 2 Quy chế 364 quy định: Đối tượng của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, người tiến hành tố tụng của Tòa án, người tham gia tố tụng và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.
Điều 13 Quy chế 364 quy định: Khi kiểm sát việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên kiểm sát về trình tự, thủ tục, về nguồn chứng cứ bảo đảm tài liệu, chứng cứ được thu thập hợp pháp, khách quan, đầy đủ, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Khoản 2 Điều 19 Quy chế 364 quy định: Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án và của những người tham gia tố tụng; xem xét yêu cầu khởi kiện, các điều kiện khởi kiện, thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án; kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện tài liệu, chứng cứ; việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để lập hồ sơ vụ án của Tòa án theo quy định tại Điều 204 BLTTDS.
PHƯƠNG LINH- NGUYỄN LINH
PHÒNG 9-VIỆN KSND TỈNH BÌNH THUẬN