Trong tố tụng hình sự Việt Nam, Chế định trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một hoạt động tố tụng được quy định tại Điều 168 và Điều 179 của Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra còn được hướng dẫn tại thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT–VKSNDTC–BCA–TANDTC ngày 27 tháng 8 năm 2010 của liên ngành: Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao–Bộ công an–Tòa án nhân dân Tối cao (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2010).
Mục đích của việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo cho việc điều tra thu thập chứng cứ được đầy đủ, áp dụng trình tự thủ tục tố tụng đúng quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử; đảm bảo cho việc truy tố, xét xử có căn cứ vững chắc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Tuy nhiên, số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều là thể hiện sự thiếu sót của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện và chứng minh tội phạm. Chính vì lẽ đó, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đã triển khai Thông tư liên tịch số 01 đến toàn thể cán bộ, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên ở cả 2 cấp. Đồng thời trong kế hoạch công tác kiểm sát hàng tháng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh luôn quán triệt và tập trung chỉ đạo tốt các nhiệm vụ trọng tâm giúp hạn chế tối đa đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, và xem đây là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng của đơn vị.
Thực trạng chung trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Theo số liệu thống kê trong 03 năm gần đây, tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhìn chung là có chiều hướng giảm. Số vụ án Tòa án trả cho Viện kiểm sát nhiều hơn số vụ án Viện kiểm sát trả cho Cơ quan điều tra; các vụ án Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung hầu hết là do thiếu chứng cứ quan trọng. Điều này chứng tỏ đến giai đoạn truy tố, một số Kiểm sát viên đánh giá chứng cứ chưa chặt chẽ, không phát hiện được những vi phạm, thiếu sót trong hồ sơ.
Số vụ Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung không được Viện kiểm sát chấp nhận còn xảy ra nhưng có chiều hướng giảm dần. Điều này cho thấy Kiểm sát viên và lãnh đạo Viện kiểm sát đã phối hợp rất tốt với quan điểm rõ ràng dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và vận dụng tốt các quy định Pháp luật cũng như Thông tư liên tịch số 01.
Để có được kết quả trên cũng nhờ tinh thần trách nhiệm cao, sự nhạy bén, sáng tạo và sự phối hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật; mặt khác, thông qua thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2010, chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát các cấp được nâng cao, công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án được tăng cường nên hầu hết các vụ án đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, không để lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho địa phương.
Nguyên nhân dẫn đến việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung
* Nguyên nhân khách quan
Tình hình tội phạm trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp, với quy mô, tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi, mức độ nguy hiểm ngày càng tăng, hậu quả xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ án phạm tội có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia, phạm tội trên địa bàn rộng lớn, việc xác minh gặp nhiều khó khăn, các chứng cứ thu thập được chưa đáp ứng được yêu cầu chứng minh tội phạm.
Luật và các văn bản áp dụng pháp luật liên tục sửa đổi, bổ sung nhưng việc giải thích, hướng dẫn của các cơ quan chức năng không kịp thời và thiếu cụ thể dẫn đến nhận thức và vận dụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán chưa thống nhất.
Đối với các vụ án kinh tế liên quan đến nhiều lĩnh vực, các vụ án xâm phạm quyền sở hữu, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thường rất phức tạp, quá trình phạm tội kéo dài và nhiều người tham gia, rất khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, mặt khác, đòi hỏi phải vận dụng nhiều loại văn bản của nhiều ban ngành nên việc thống nhất áp dụng là rất khó khăn.
Tính chất vụ án phức tạp, có vụ phải chịu áp lực từ phía dư luận, báo chí dẫn đến việc điều tra nóng vội, thiếu khách quan, thiếu chứng cứ dẫn đến phải trả để điều tra bổ sung.
* Nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của KSV trong trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra chưa cao, còn có biểu hiện thoái thác, trốn tránh trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.
Khả năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng phát hiện vấn đề của một số Kiểm sát viên còn hạn chế, tính chủ động chưa cao, đôi khi còn trông chờ vào kết quả điều tra, chưa thực sự bám sát quá trình điều tra.
Yêu cầu điều tra có lúc còn sơ sài, chung chung, không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến kết quả điều tra chưa đáp ứng được yêu cầu để truy tố, xét xử.
Thiếu chủ động, chưa phát huy có hiệu quả mối quan hệ phối hợp với Điều tra viên, Thẩm phán trong việc nghiên cứu hồ sơ, thu thập và đánh giá chứng cứ... để bổ sung trước khi kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.
Lãnh đạo một số đơn vị có lúc còn thiếu sự kiểm tra nghiệp vụ nên chưa kịp thời chỉ đạo dẫn đến thiếu sót phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, đặc biệt là những vụ án khó cần phát huy trí tuệ tập thể, những vụ án vướng mắc trong đánh giá chứng cứ, xác định giữa có tội và không có tội.
Giải pháp hạn chế trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Hệ thống hóa các văn bản pháp luật hình sự đang có hiệu lực trên các lĩnh vực nghiệp vụ để tiện tra cứu vận dụng. Tổ chức tập huấn các chuyên đề chuyên sâu về nghiệp vụ điều tra, kiểm sát điều tra nhằm tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức, ý thức trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với Điều tra viên ngay từ khi tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ do Điều tra viên đã thu thập, phối hợp với Điều tra viên để điều tra làm rõ những vấn đề cần chứng minh ngay trong giai đoạn điều tra. Trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập, nếu phát hiện còn thiếu chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội khác thì phải bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra.
Phối hợp với Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa để trao đổi ý kiến, kịp thời bổ sung, khắc phục những thiếu sót. Nếu quan điểm không thống nhất thì báo cáo lãnh đạo hai ngành xem xét quyết định.
Duy trì đều đặn chế độ giao ban liên ngành để phối hợp, trao đổi, thống nhất hướng xử lý, khắc phục thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án. Tổng hợp những vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án, chỉ đạo kiểm điểm rõ trách nhiệm để xảy ra thiếu sót của Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán để cùng rút kinh nghiệm.
Đối với những vụ án phức tạp, những vụ án được dư luận quan tâm, Lãnh đạo đơn vị cần chủ động bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế để đảm nhận. Hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, không để xảy ra việc Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội.
Lãnh đạo ngành cần chú trọng hơn nữa trong việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực hình sự. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo chặt chẽ ngay từ khi khởi tố vụ án cho đến suốt quá trình tố tụng.
Đặng Tịnh Thanh Bình
Chuyên viên Phòng 2 – VKSND tỉnh