Qua thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; Viện kiểm sát nhân dân dân tỉnh Bình Thuận nhận thấy, trong thời gian từ năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh phát hiện và xử lý 1.266 vụ án hình sự, trong đó có 553 vụ phạm tội thuộc nhóm tội “xâm phạm sở hữu”, trong nhóm tội xâm phạm sở hữu có nhiều vụ án liên quan đến dịch vụ cầm cố tài sản (tài sản cầm cố là các loại xe mô tô) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Hành vi, thủ đoạn phổ biến của bọn tội phạm là sau khi trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… các đối tượng thường mang tài sản chiếm đoạt được đến các tiệm cầm đồ trên địa bàn để cầm cố, nhưng không có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu, để cầm cố lấy tiền tiêu xài, điển hình một số vụ như sau:
1. Vụ Nguyễn Thị Bích Thuận (sinh năm 1993, trú tại khu phố 7, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết) “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 10/7/2015 Thuận nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô nên Thuận hỏi mượn xe mô tô biển số 86B4-04645 của Hồ Thị Bé Nhi để đi công chuyện. Sau đó Thuận điều khiển xe mô tô trên đến tiệm cầm đồ số 09, đường Nguyễn Du, Phan Thiết cầm cố để lấy 7.000.000 đồng. Tại Bản án số 10/2016/HSST, ngày 13/01/2016 của TAND thành phố phan Thiết xử phạt Thuận 09 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
2. Vụ Nguyễn Quốc Vương, (sinh năm 1981, trú tại khu phố 1, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết) “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 21/9/2015 Vương nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô nên Vương hỏi mượn xe mô tô biển số 86L2-6540 của Nguyễn Thị Thu Trâm để đi công chuyện. Sau đó Vương điều khiển xe mô tô trên đến tiệm cầm đồ Lộc Phát, số 43 đường Thủ Khoa Huân, khu phố 1, phường Phú Thủy, Phan Thiết cầm cố để lấy 10.000.000 đồng. Tại Bản án số 73/2016/HSST ngày 10/5/2016 của TAND thành phố phan Thiết xử phạt Vương 12 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
3. Vụ Trần Hữu Thuận (sinh năm 1990, trú tại thôn 1, xã Gia An, huyện Tánh Linh), “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 14/8/2016 Thuận nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô nên Thuận hỏi mượn xe mô tô biển số 86B7-24545 của Đồng Xuân Hiền để đi công chuyện. Sau đó Thuận điều khiển xe mô tô trên đến tiệm cầm đồ Tuấn Khải ở tổ 1, khu phố 3, thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh cầm cố để lấy 18.000.000 đồng. Tại Bản án số 53/2016/HSST ngày 28/11/2016, TAND huyện Tánh Linh xử phạt Thuận 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
4. Vụ Nguyễn Cao Kỳ (sinh 1992, trú tại thôn Tuy Tịnh 1, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong) “Trộm cắp tài sản”. Ngày 20/11/2016, Nguyễn Cao Kỳ trộm cắp xe mô tô 86B1-29209 và giấy tờ xe của anh Trần Đình Hùng. Sau đó Kỳ đưa xe và giấy tờ xe cho Thanh Trúc Cầm và Nguyễn Ngọc Vũ đến tiệm cầm đồ Phước Lộc, phường Phú Thủy, tp Phan Thiết cầm cố lấy 30.000.000 đồng. Tại Bản án số 53/2016/HSST ngày 10/5/2017, TAND huyện Tuy Phong xử phạt Kỳ 3 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”
5. Vụ Nguyễn Hữu Lộc (sinh năm 1985, trú tại thôn An Phú, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .Ngày 15/9/2016 Nguyễn Hữu Lộc nảy sinh ý định chiếm đoạt xe mô tô nên Lộc hỏi mượn xe mô tô biển số 86T2-0925 của anh Trịnh Thanh Hải để đi công chuyện. Sau đó Lộc điều khiển xe mô tô đến tiệm cầm đồ số số 8, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Đức Nghĩa, Phan Thiết, cầm cố lấy 17.000.000 đồng. Tại Bản án số 20/2017/HSST ngày 18/4/2017, TAND huyện Hàm Thuận Bắc xử phạt Lộc 09 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” .
Trong các vụ án nêu trên, qua điều tra, xét xử không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với chủ cơ sở kinh doanh cầm đồ vì họ cho rằng không biết tài sản cầm cố là do phạm tội mà có. Tuy nhiên, khi các đối tượng đem tài sản là xe mô tô không có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu nhưng các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vẫn nhận cầm cố là hành vi vi phạm pháp luật quy định tại khoản 4 Điều 29 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể: Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ : “Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu”
Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP có quy định: “ Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh…kinh doanh dịch vụ cầm đồ…”
Tại điểm a, khoản 3, Điều 50 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định về thẩm quyền kiểm tra, thanh tra: “Cơ quan Công an cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và trực tiếp quản lý cơ sở kinh doanh có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra định kỳ hàng năm hoặc đột xuất”.
Từ thực trạng trên có thể thấy rằng, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ cầm đồ của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn nhiều sơ hở, dẫn đến việc lợi dụng của các đối tượng phạm tội như nêu trên. Ngày 17/7/2017 VKSND tỉnh đã ban hành kiến nghị số 766/KN/VKS-P7, kiến nghị Giám đốc CA tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm pháp luật tại cơ sở kinh doanh cầm đồ, nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, phòng ngừa các vi phạm và tội phạm tương tự xảy ra./.
Trần Thị Thanh Nhàn