Ngày 06/8/2020, Viện KSND tỉnh Bình Thuận phối với Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại” giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn T với bị đơn ông Vũ Duy M.
Nội dung vụ án: Bà Nguyễn Thị Kim A và ông Vũ Duy M là vợ chồng, có 03 người con chung. Trong quá trình sống chung, bà A đã mượn của một số người khoản tiền 254.610.000đ để đi chữa bệnh, sắm sửa trong gia đình và đóng tiền hụi nhưng ông M không biết. Vụ án chưa giải quyết xong thì bà Nguyễn Thị Kim A chết.
Ngày 07/02/2020, TAND huyện Đức Linh đưa vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản và thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại" ra xét xử. Bản án sơ thẩm số 01/2020/DS-ST cùng ngày nhận định đây là nợ riêng của bà Kim A và tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Nguyễn Thị Kim A gồm ông Vũ Duy M và 03 người con chung phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản của bà Nguyễn Thị Kim A chết để lại, cụ thể mỗi người phải trả 63.652.500đ cho nguyên đơn và khoản án phí tương ứng.
Không đồng ý với Bản án bị đơn kháng cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm buộc cha con ông phải trả nợ nhưng chưa xác định tài sản của vợ ông để lại có giá trị bao nhiêu là chưa phù hợp; Đồng thời, Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐL có kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm nêu trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện ĐL là có căn cứ và kháng cáo của nguyên đơn là có cơ sở nên áp dụng khoản 3 Điều 308 BLTTDS tuyên xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 01/2020/DSST ngày 07/02/2020 của Tòa án nhân dân huyện ĐL, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện ĐL giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:
Một là, Bản án sơ thẩm nhận định các khoản nợ trên do bà Kim A vay mượn và tham gia chơi hụi chỉ có 01 mình bà trực tiếp giao dịch với chủ nợ…các nguyên đơn không có chứng cứ để chứng minh ông M biết các khoản nợ này hoặc việc bà A mượn tiền, nợ tiền hụi là nhằm mục đích phục vụ nhu cầu thiết yếu cho gia đình nên xác định đây là nợ riêng của bà Kim A.
Tuy nhiên, theo tài liệu trong hồ sơ vụ án bà Kim A trình bày tại buổi hòa giải có nội dung: Một số khoản nợ như vay của ông T, bà Kim C là để đi chữa bệnh, vay bà L để mua sắm vật dụng gia đình … và thực tế bà Kim A bị bệnh ung thư, cần tiền chữa bệnh trùng với thời gian vay nợ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình quy định "vợ chồng có nghĩa vụ chung về tài sản do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình" và việc bà Kim A vay tiền để chữa bệnh cũng là nhu cầu thiết yếu của mỗi người nên bản án xác định toàn bộ số nợ là nghĩa vụ riêng của bà Kim A khi còn sống là chưa có căn cứ.
Hai là, bà Nguyễn Thị Kim A chết, di sản thừa kế chưa được chia (kể cả việc có di chúc hay không) nên việc giải quyết vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại chỉ được giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 615 BLDS "Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại".
TAND huyện ĐL giải quyết vụ án buộc ông M và 03 người con chung có nghĩa vụ trả nợ do bà Kim A chết để lại vì xác định bà Kim A có di sản nhưng không xác định cụ thể là những di sản nào, giá trị bao nhiêu, có vượt quá giá trị nghĩa vụ phải thực hiện không, ai là người quản lý di sản để phải thực hiện nghĩa vụ…nên về nội dung bản án sơ thẩm chưa giải quyết vụ án toàn diện, chưa đảm bảo đúng quy định tại Điều 21, Điều 615 BLDS.
Ba là, tại thời điểm đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (07/02/2020), trong 03 người con chung của ông M và bà Kim A có 01 cháu chưa đủ 16 tuổi; 01 cháu chưa đủ 18 tuổi nhưng bản án tuyên 02 cháu phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ do người chết để lại, đồng thời thực hiện nghĩa vụ về án phí là chưa đúng quy định tại khoản 2, 3 Điều 21 BLDS, điểm đ khoản 1 Điều 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn án phí và lệ phí tòa án và Điều 1 Luật trẻ em.
Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã phát hiện nhiều sai sót của cấp sơ thẩm, do đó Viện KSND tỉnh đã chủ động phối hợp cùng TAND cùng cấp chọn vụ án này làm phiên tòa rút kinh nghiệm. Thông qua phiên tòa Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đã thấy được những vấn đề liên quan, cần phải lưu ý khi kiểm sát giải quyết các vụ việc "tranh chấp hợp đồng vay tài sản của vợ chồng" và "giải quyết nghĩa vụ do người chết để lại" để đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.
Thùy Dương
Phòng 9 - VKSND tỉnh Bình Thuận