Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất trong việc đo vẽ bản đồ địa chính, xem xét mảnh chỉnh lý trích lục địa chính.
Ngày đăng: 11/11/2020 2272 lượt xem

Tranh chấp quyền sử dụng đất là một loại án tranh chấp xảy ra rất nhiều, phức tạp, tranh chấp gay gắt kéo dài bởi loại án này thường liên quan đến nhiều người, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai. Qua thực tiễn công tác kiểm sát xét xử loại án này nhiều năm qua thấy tỷ lệ án hủy, sửa cao trong đó có nhiều vụ do lỗi của Kiểm sát viên. Vi phạm thiếu sót dẫn đến hủy, sửa án chủ yếu là do không xem xét hoặc không xem xét kỹ bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính, việc đo vẽ các diện tích đất tranh chấp…. Đây là những dữ liệu rất quan trọng để xem xét đánh giá nội dung tranh chấp nhưng khi nghiên cứu hồ sơ Kiểm sát viên thường xem nhẹ không nghiên cứu kỹ, bỏ qua và cũng có rất ít kinh nghiệm khi xem xét các bản đồ địa chính, bản trích đo địa chính.  

Điển hình là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị Mỹ D cùng hai đồng nguyên đơn và bị đơn ông Trương Minh T:

Tóm tắt nội dung vụ án: Bà Trương Thị G được mẹ ruột chia cho 1 lô đất (gồm: đất ở nông thôn và đất trồng cây hàng năm). Bà G làm nhà trên diện tích đất được cho từ trước năm 1975 và đăng ký kê khai có tên trong bản đồ địa chính từ năm 1990 đến nay. Sau khi bà G qua đời, các con của bà G đến Văn phòng công chứng Phú Long lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, trong đó phần chia cho Nguyễn Thị Mỹ D, Nguyễn Thị Châu A và Nguyễn Vĩnh Đ là căn nhà cấp 4 gắn liền với thửa đất số 143, tờ bản đồ số 44, diện tích 321,8m2 (viết tắt là thửa đất số 143/321,8m2). Ngày 13/01/2017, UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt giấy CNQSD đất) số CE 650317 ngày 13/01/2017, do bà Nguyễn Thị Mỹ D đứng tên là người sử dụng thửa đất số 143/321,8m2.

Sau đó bà D, bà A và ông Đ (sau đây viết và gọi tắt là nguyên đơn) xây dựng lại căn nhà trên thửa đất số 143/321,8m2, thì ông Trương Minh T và bà Hồ Thị C ngăn cản, vì cho rằng nguồn gốc đất hương hỏa do ông Trương N là cha của ông T quản lý nhưng ông N cho bà Trương Thị G làm nhà ở tạm trên đất đến hết đời, không được chuyển nhượng cho người khác. Ngược lại bên nguyên đơn cho rằng ông Trương Minh T và bà Hồ Thị C đã lấn 9,4m2 thuộc thửa đất số 143/321,8m2 mà nguyên đơn đã được cấp giấy CNQSD đất.

Ngày 21/02/2018, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông T và bà C phải tháo dỡ phần nền móng đã xây dựng trả lại diện tích 9,4m2 trong đó có 2 vị trí: Vị trí thứ nhất có diện tích 4,8m2 tiếp giáp Quốc lộ 1A, trên diện tích này có tường rào dài 10,5m, cao 0,7m và nền xi măng; Vị trí thứ hai có diện tích 4,6m2 tiếp giáp ruộng của ông Trương Minh T.

Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, tuyên: chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

- Thứ nhất: Về mốc giới đất tranh chấp: Nguyên đơn được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp giấy CNQSD đất đối với thửa đất số 143/321,8m2. Tuy nhiên, diện tích đo đạc thực tế là 310,2m2, chưa tính phần diện tích đất tranh chấp 9,4m2. Tòa cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn trả lại 4,8m2/9,4m2 đất phần giáp quốc lộ 1A; đối với phần diện tích 4,6m2/9,4m2 đất còn lại tiếp giáp ruộng của ông Trương Minh T, thì Tòa nhận định là đất của ông T nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Như vậy, theo quyết định của Tòa án sơ thẩm thì diện tích đất của nguyên đơn là 315m2 (310,2m2 + 4,8m2 = 315m2), vẫn còn thiếu 6,8m2 so với diện tích ghi trên giấy CNQSD đất đã cấp.

Tuy nhiên, kết quả làm việc của Tòa án sơ thẩm với người đại diện của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc, xác định: “…Theo giấy CNQSD đất số CE 650317 ngày 13/01/2017 cấp cho nguyên đơn, thì ranh của đất số 143 trùng lề đường quốc lộ 1A, nhưng khi đo đạc nguyên đơn (ông Đ) chỉ ranh đất cách lề đường quốc lộ 1A khoảng 02 đến 03 mét. Do đó diện tích đất của nguyên đơn chênh lệch giảm 6,8m2 là chưa đo phần đất tiếp giáp quốc lộ 1A”. Như vậy, việc xác định mốc giới thửa đất của nguyên đơn còn mâu thuẫn và có liên quan đến việc xác định phía bị đơn có lấn đất của nguyên đơn hay không, chưa được Tòa cấp sơ thẩm làm rõ.

- Thứ hai: Theo bản trích đo bản đồ vị trí khu đất tranh chấp do Công ty TNHH tư vấn dịch vụ khảo sát và đo đạc HTB đo vẽ ngày 18/5/2018, thể hiện 4,6m2/9,4m2 đất tranh chấp nằm trong thửa đất số 143/321,8m2 theo giấy CNQSD đất cấp cho nguyên đơn. Ngược lại, tại công văn số 2961 ngày 16/11/2018 của UBND huyện Hàm Thuận Bắc, xác định: 4,6m2/9,4m2 đất do hộ ông Trương Minh T sử dụng ổn định từ trước năm 1993 và hộ ông T có kê khai trong hồ sơ đo đạc địa chính, nhưng không cung cấp chứng cứ chứng minh, Tòa án sơ thẩm chưa làm rõ mâu thuẫn này mà căn cứ vào công văn trả lời của UBND huyện Hàm Thuận Bắc như nêu trên để tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc ông T và bà C phải trả diện tích đất 4,6m2, là chưa có căn cứ vững chắc.

Để việc đề xuất giải quyết loại án này chính xác, toàn diện, khách quan, có căn cứ pháp luật, hạn chế án hủy, sửa do có lỗi của Kiểm sát viên, theo tôi có các giải pháp như sau:

 

+ Đối với những vụ tranh chấp đất giáp ranh: khi đo vẽ hiện trạng đất tranh chấp phải đo cả hai thửa đất của nguyên đơn và bị đơn, không thể chỉ đo riêng phần đất tranh chấp hay chỉ đo một thửa đất của nguyên đơn hoặc bị đơn, vì đo như vậy không đủ cơ sở để xác định đất của ai thừa đất của ai thiếu, phần đất tranh chấp thuộc về thửa đất nào dẫn đến việc giải quyết không đúng, không khách quan. Nếu Kiểm sát viên có tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ phải yêu cầu cán bộ đo vẽ phải đo hết các thửa đất có liên quan đến tranh chấp, nếu Kiểm sát viên không có tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ thì phải có văn bản yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ về vấn đề trên. Mặt khác, việc đo đạc phải thể hiện cả ranh giới theo hiện trạng và theo ý kiến của các bên liên quan, đồng thời áp bản đồ xác định ranh theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có căn cứ giải quyết.

+ Tại mảnh chỉnh lý trích lục địa chính việc đo vẽ là đo vẽ theo sự chỉ dẫn của đương sự, đo theo hiện trạng thực tế, vì vậy phải xem hình thể của thửa đất hiện trạng có gì khác so với hình thể thửa đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Khi xem hình thể của thửa đất phải chú ý các điểm mốc ranh giới, các điểm mốc ranh giới có nhiều hơn hay ít hơn giữa đất hiện trạng và đất được cấp trong giấy chứng nhận, kích thước từ điểm này đến điểm kia và đối chiếu so sánh giữa đất hiện trạng và đất được cấp trong giấy chứng nhận hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai có điểm gì mâu thuẫn, khác biệt để từ đó có cơ sở để đánh giá chứng cứ.

+ Sau khi đo vẽ nếu diện tích hiện trạng tăng hoặc giảm so với diện tích được cấp giấy chứng nhận thì phải yêu cầu Tòa án xác minh làm rõ nguyên nhân của việc tăng hoặc giảm diện tích đó. Cũng cần chú ý xem xét việc đo vẽ đã đo vẽ đầy đủ diện tích đất tranh chấp hay chưa vì có trường hợp nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại diện tích đất lấn chiếm, khi cán bộ đo đạc đến đo vẽ thì không đo hết đất của nguyên đơn nên Tòa sơ thẩm cho rằng đất nguyên đơn giảm là do bị đơn lấn chiếm nên tuyên xử buộc bị đơn trả đất cho nguyên đơn. Tại cấp phúc thẩm phát hiện ra sai sót này nên đã hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.

+ Đối với những vụ tranh chấp nhiều thửa đất thì phải yêu cầu Tòa án thu thập bản đồ chung tổng thể của vùng có đất tranh chấp để dễ nhận diện, đối chiếu so sánh.

+ Đối với trường hợp trên đất tranh chấp có tài sản thì trong mảnh trích lục địa chính cũng phải thể hiện trên đất có những tài sản gì, vị trí, kích thước.

+ Trường hợp việc trả lời của cơ quan có thẩm quyền mâu thuẫn với kết quả đo vẽ thì phải yêu cầu Tòa án xác minh làm rõ. Ví dụ: Tại mảnh trích đo bản đồ vị trí khu đất tranh chấp thể hiện đất tranh chấp nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn, nhưng khi Tòa án có công văn hỏi thì Ủy ban nhân dân huyện trả lời đất tranh chấp nằm ngoài giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn.

+ Tại mảnh trích đo bản đồ vị trí khu đất tranh chấp đều có thể hiện số tờ bản đồ, số thửa, loại đất, khi nghiên cứu cần xem xét có trùng khớp với số tờ bản đồ, số thửa, loại đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hay không. Nếu không trùng khớp thì phải yêu cầu Tòa án xác minh làm rõ để xác định nhà nước thay đổi số tờ bản đồ, số thửa, loại đất hay đo vẽ một thửa đất khác không liên quan đến đất mà nguyên đơn khởi kiện.   

 

                                                                                                                                                                                                             Nguyễn Thị Hằng

                                                  Phòng 9 - VKSND tỉnh Bình Thuận

 

 

         

 

 

12-06-2020
2475 lượt xem
Thông qua công tác kiểm sát xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, nhận thấy: TAND cấp huyện đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy, sửa án sơ thẩm thể hiện qua các dạng vi phạm sau:
02-10-2019
544 lượt xem
Thông qua công tác kiểm sát bản án/quyết định của TAND cấp huyện giải quyết về án hành chính, Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website