Thông qua công tác kiểm sát xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, nhận thấy: TAND cấp huyện đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự dẫn đến cấp phúc thẩm phải hủy, sửa án sơ thẩm thể hiện qua các dạng vi phạm sau:
1 - Vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dân sự và trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ
1.1 - Vụ án thứ nhất: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị S với bị đơn bà Trần Thị Minh T.
- Nội dung vụ án: bà Nguyễn Thị S nhiều lần cho bà Trần Thị Minh T vay tiền. Tổng số tiền bà T nợ bà S là 620.000.000 đồng nhưng bà T không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Tháng 9/2018, bà S khởi kiện yêu cầu TAND huyện TL xét xử buộc bà T trả số nợ nêu trên. Quá trình hòa giải, bà T chấp nhận trả cho bà S mỗi tháng 10.000.000 đồng và bà S rút đơn khởi kiện. Ngày 15/10/2018 Thẩm phán H ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Sau khi vụ án được đình chỉ, bà T chỉ trả cho bà S được 20.000.000 đồng không trả 600.000.000 đồng còn lại bởi bà T cho rằng khoản tiền này bà T nhận nợ thay cho nhiều người khác và trong đó có 50 triệu đồng bà S cho bà Nguyễn Thị Ph mượn, không liên quan đến 50 triệu đồng bà T mượn của bà Ph. Vì vậy, bà T không đồng ý việc bà S và bà Ph tự ý cấn trừ để bà T phải trả thay cho khoản nợ mà bà Ph mượn của bà S; đồng thời không đồng ý trả cho bà S số tiền 50 triệu đồng, vì theo bà T số tiền này bà S cho bà L mượn.
Ngày 27/5/2019, bà S khởi kiện yêu cầu bà T trả 600.000.000 đồng. Vụ án được TAND huyện TL thụ lý, phân công Thẩm phán H giải quyết và ban hành bản án sơ thẩm số 35 ngày 12/11/2019 chấp nhận khởi kiện của bà S, tuyên xử:
+ Buộc bà Trần Thị Minh T và ông Phạm Trọng Th (chồng bà T) trả cho bà S số tiền 550.000.000 đồng;
+ Buộc bà Trần Thị Minh T trả 50.000.000 đồng cho bà S lý do số tiền này là khoản nợ do bà L mượn của bà S nhưng bà T viết giấy nhận nợ và trả thay cho bà L nên ông Phạm Trọng Th không liên quan đến khoản nợ này.
+ Tại biên bản hòa giải ngày 11/7/2019, nguyên đơn (bà S) có yêu cầu Tòa án buộc bị đơn trả tiền lãi đối với 600.000.000 đồng nợ gốc. Nhưng bà S không làm đơn kiện bổ sung yêu cầu bị đơn trả lãi nên Tòa án chưa thụ lý. HĐXX dành quyền khởi kiện cho bà S bằng một vụ án dân sự khác.
Ngày 25/11/2019, bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xét xử bác yêu cầu của nguyên đơn bà Nguyễn Thị S.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, Viện KSND tỉnh đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 Bộ luật TTDS tuyên hủy bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án. Kết quả Tòa án phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, như đề nghị của VKS.
Lý do hủy án sơ thẩm:
- Một là, ngày 15/10/2018 thẩm phán H ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 105 đối với vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị S và bị đơn bà Trần Thị Minh T với lý do nguyên đơn rút đơn khởi kiện. Sau đó nguyên đơn khởi kiện lại, lẽ ra thẩm phán H phải từ chối tiến hành tố tụng vì trước đó đã ra quyết định đình chỉ vụ án nhưng thẩm phán H vẫn tiến hành tố tụng thụ lý, giải quyết vụ án, đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại khoản 3 Điều 53 Bộ luật TTDS.
- Hai là, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Nguyễn Thị Ph tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bỏ sót người tham gia tố tụng mà buộc bà T trả nợ thay cho bà Ph, đã vi phạm khoản 4 và khoản 6 Điều 68 Bộ luật TTDS.
- Ba là, Tại biên bản hòa giải và biên bản phiên tòa, nguyên đơn (bà S) đều yêu cầu bị đơn phải trả tiền lãi phát sinh do không trả nợ gốc. Như vậy, nguyên đơn bổ sung yêu cầu tính tiền lãi không vượt quá quan hệ pháp luật tranh chấp bởi yêu cầu đó nằm trong một quan hệ pháp luật nên phải xem xét toàn diện vấn đề đương sự bổ sung yêu cầu nên không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết trong cùng một vụ án mà dành quyền khởi kiện cho nguyên đơn bằng một vụ án dân sự khác là chưa giải quyết triệt để các yêu cầu của đương sự, đã vi phạm khoản 1 Điều 244 Bộ luật TTDS và được hướng dẫn tại Mục 6 Phần III Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP.
1.2 - Vụ án thứ hai: “Tranh chấp hợp đồng mua bán” giữa nguyên đơn bà Lâm Thị Đ với bị đơn là ông Nguyễn Quang H.
- Nội dung vụ án: ông Nguyễn Quang H là người thu mua quả sầu riêng tại các nhà vườn đem bán cho Cty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Phúc Hải (địa chỉ giao dịch của Cty tại thôn 4, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) do ông Bùi Văn N là người đại diện của Cty (gọi tắt là Cty Phúc Hải). Đối với bà Lâm Thị Đ cũng là người thu mua quả sầu riêng của các nhà vườn để bán kiếm lời nhưng bà Đ không thể bán quả sầu riêng cho Cty Phúc Hải, do vậy bà Đ nhờ ông H làm trung gian (môi giới) để bà bán quả sầu riêng cho Cty Phúc Hải. Theo đó, ông H cung cấp cho bà Đ biết các tiêu chí để được công nhận quả sầu riêng đạt chất lượng chuẩn, trên cơ sở đó bà Đ tìm mua quả sầu riêng và chuyển đến Cty Phúc Hải để nhân viên của Cty kiểm tra chất lượng và nhận hàng, còn tiền thì Cty Phúc Hải thanh toán bằng cách chuyển khoản thông qua tài khoản cá nhân của ông H. Tổng số tiền bà Đ bán quả sầu riêng cho Cty Phúc Hải là 2.520.316.000 đồng, Cty Phúc Hải đã thanh toán cho bà Đ số tiền 1.600.000.000 đồng, còn lại 920.316.000 đồng ông H cho rằng Cty Phúc Hải chưa chuyển vào tài khoản của ông. Bà Đ nhiều lần yêu cầu nhưng Cty Phúc Hải không thanh toán khoản nợ 920.316.000 đồng như nêu ở trên. Để có cơ sở đòi nợ đối với Cty Phúc Hải, ngày 01/12/2018 bà Đ lập “Giấy xác nhận hàng hóa và công nợ giữa bà Lâm Thị Đ và Cty Phúc Hải” với nội dung: từ ngày 12/8/2018 đến ngày 27/8/2018 bà Đ đã 08 lần bán quả sầu riêng cho Cty Phúc Hải, tổng cộng 2.520.316.000 đồng, bên mua đã thanh toán 1,6 tỷ đồng còn nợ 920.316.000 đồng và bà Đ ký tại mục bên bán, rồi đưa cho ông H ký tại mục bên mua, với tư cách là người đại diện Cty Phúc Hải. Ngày 26/12/2018 theo yêu cầu của bà Đ UBND xã tổ chức hòa giải nhưng Cty Phúc Hải vắng mặt. Tại biên bản hòa giải này, bà Đ xác nhận bà bán quả sầu riêng cho Cty Phúc Hải còn ông H là người trung gian.
Đến tháng 3/2019, Cty Phúc Hải không còn hoạt động thì bà Đ cho rằng ông H là người phải chịu trách nhiệm trả 920.316.000 đồng cho bà. Vì ông H là người giới thiệu và nhận tiền từ Cty Phúc Hải để thanh toán lại cho bà. Ngoài ra, tại “Giấy xác nhận hàng hóa và công nợ ...” ghi ngày 01/12/2018, ông H đã ký xác nhận với tư cách là người đại diện của Cty Phúc Hải còn nợ bà Đ số tiền 920.316.000 đồng và bà Đ khởi kiện yêu cầu ông H trả số tiền nêu trên.
- Tại Bản án sơ thẩm số 44 ngày 28/11/2019 của TAND huyện TL, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lâm Thị Đ buộc ông Nguyễn Quang H phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong hợp đồng mua bán cho vợ chồng bà Đ với số tiền 920.316.000 đồng nhưng ông H kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS tỉnh đề nghị HĐXX áp dụng khoản 3 Điều 308; Điều 310 Bộ luật TTDS, tuyên xử: chấp nhận kháng cáo của bị đơn, hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. Kết quả Tòa án phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, như đề nghị của VKS.
- Lý do hủy án sơ thẩm:
+ Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Cty Phúc Hải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đã vi phạm khoản 4 Điều 68 và Điều 73 Bộ luật TTDS.
+ Tòa án sơ thẩm không tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định số tiền 920.316.000 đồng là nợ giữa bà Đ với ông H hay là nợ giữa bà Đ với Cty Phúc Hải là thiếu sót trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, đã vi phạm khoản 2 Điều 97 Bộ luật TTDS.
2 - Vi phạm trong việc xác định thời điểm tính lãi đối với nợ vay
- Vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn bà Dương Thị Thái H với bị đơn bà Đào Thị Nh.
- Nội dung vụ án: Ngày 05/4/2019, bà Đào Thị Nh viết giấy vay 2,8 tỷ đồng của bà H, lãi suất 02%/tháng, thời hạn trả nợ gốc và lãi vào ngày 05/5/2019. Tuy nhiên, bà Nh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận. Vì vậy, bà H khởi kiện yêu cầu Tòa án xét xử buộc bà Nh phải trả số tiền gốc 2.800.000.000 đồng cùng tiền lãi phát sinh trên nợ gốc theo mức lãi suất 1.66%/tháng (tức 20%/năm) và lãi suất quá hạn theo quy định.
Tại Bản án sơ thẩm số 47 ngày 29/10/2019 của TAND huyện HT tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Dương Thị Thái H buộc bà Đào Thị Nh phải trả cho bà H nợ gốc, tiền lãi phát sinh tổng cộng 3.252.392.024 đồng. Tuy nhiên, bà Đào Thị Nh kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
- Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS tỉnh đề nghị HĐXX áp dụng khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật TTDS, tuyên sửa bản án sơ thẩm. Kết quả Tòa án phúc thẩm đã tuyên xử như đề nghị của VKS.
- Lý do sửa án sơ thẩm: Khoản 3 Điều 147, khoản 6 Điều 148 Bộ luật dân sự năm 2015, quy định: “Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó; Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”. Như vậy, trường hợp của vụ án này nghĩa vụ của bà Nh phải trả tiền lãi trong hạn đối với số tiền 2,8 tỷ đồng vay của bà H phát sinh kể từ ngày 06/4/2019 và tiền lãi quá hạn kể từ ngày 06/5/2019. Nhưng bản án sơ thẩm buộc bà Nh trả lãi trong hạn kể từ ngày 05/4/2019 và tiền lãi quá hạn kể từ ngày 05/5/2019 là không đúng quy định của Bộ luật dân sự. Vì vậy, cấp phúc thẩm phải tính tiền lãi trong hạn và tiền lãi quá hạn mà bà Nh phải trả cho bà H, theo đó phải tính lại án phí mà bị đơn phải nộp dẫn đến sửa án sơ thẩm.
|
|
Phạm Xảnh
Phòng 9 – Viện KSND tỉnh Bình Thuận
(nguồn tin tổng hợp)
|