Kháng nghị Bản án sơ thẩm “Tranh chấp thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”
Ngày đăng: 19/06/2023 2366 lượt xem

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”. Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục sơ thẩm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phan Thiết đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 25/5/2023 của TAND thành phố Phan Thiết, giải quyết vụ án tranh chấp về việc “Yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”, giữa nguyên đơn Ngân hàng TMCP BĐLV, bị đơn bà Trần T N D.

Nội dung vụ việc:  Bà LTM L và ông TrTT là vợ chồng, đồng sở hữu tài sản nhà, đất tại khu phố 8, phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, vợ chồng ông bà không có con chung, không có con nuôi và con riêng nào khác; cha mẹ hai bên đều chết trước bà L và ông T.

Khi còn sống, ông bà lập di chúc để lại tài sản là nhà, đất trên cho người em là bà D được quyền thừa kế toàn bộ tài sản. Tại thời điểm lập di chúc ông T và bà L có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tinh thần minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay bị cưỡng ép; nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; di chúc được lập và công chứng, chứng nhận tại Văn phòng công chứng nên Di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Sau khi lập Di chúc thì ông T chết trước bà L, kể từ thời điểm lập di chúc đến trước thời điểm ông T chết, ông T không sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đối với phần tài sản của ông trong khối tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, phần tài sản của ông T trong khối tài sản chung của vợ chồng đã được định đoạt để lại cho bà D hưởng thừa kế là hoàn tòa tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự. Như vậy, bà L được hưởng ½ khối tài sản chung của vợ chồng và chỉ có quyền sửa đổi, định đoạt đối với phần tài sản của mình; còn đối với phần nội dung di chúc liên quan đến phần tài sản của ông T thì không thể sửa đổi hoặc hủy bỏ theo quy định của pháp luật.

Sau khi ông T chết, bà L đã tự ý khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật đối với tòan bộ phần di sản của ông T đã định đoạt để lại quyền thừa kế cho bà D, để ký hợp đồng tín dụng vay vốn tại Ngân hàng và thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho Ngân hàng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay tín dụng thì bà L chết nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu bà D phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết (bà D) để lại là trả cho Ngân hàng số tiền gốc và lãi do bà L nợ Ngân hàng trong phạm vi toàn bộ tài sản thừa kế mà bà L đã thế chấp, đồng thời Ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền, kê biên, phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Như vậy, căn cứ nội dung, tình tiết của vụ án thì phần di sản của ông T đã được ông định đoạt để lại cho bà D, nên bà L chỉ có quyền định đoạt đối với phần tài sản của mình, bà L đã định đoạt đối với toàn bộ tài sản là xâm phạm quyền tự định đoạt của ông T. Khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế bà L có sự gian dối, giả tạo, khai ông T chết không để lại di chúc là nhằm che giấu thông tin sự việc, thực hiện giao dịch dân sự giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác nên theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”.

Khi còn sống đến trước thời điểm ông T chết, ông T không để lại bất kỳ nghĩa vụ tài sản nào, phần di sản của ông T đã định đoạt để lại quyền thừa kế cho bà D. Sau khi bà L chết thì phần di sản của bà L là ½ trong khối di sản vợ chồng được để thừa kế cho bà D. Do vậy, trong trường hợp này cần xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ, tình tiết của vụ án để giải quyết vụ án, buộc bà D phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi di sản của bà L để lại quyền thừa kế cho bà D.

Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ do bà L để lại trong phạm vi toàn bộ khối di sản của ông T và bà L để lại là không phù hợp với quy định của pháp luật và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án.

Nhằm giải quyết vụ án được toàn diện khách quan, đảm bảo quyền và lợi hợp pháp của Đương sự và quy đinh của pháp luật, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phan Thiết đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 29/2023/DS-ST ngày 25/5/2023 của TAND thành phố Phan Thiết, theo hướng sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. 

Cao Hường - VKS Phan Thiết

 

22-04-2024
720 lượt xem
Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch
02-04-2024
3629 lượt xem
Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.
28-03-2024
732 lượt xem
Để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chống oan sai,
25-09-2023
1170 lượt xem
Thực tiễn những năm qua cho thấy, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn trường hợp hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính.
24-08-2023
1456 lượt xem
Qua thực tiễn công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã, tác giả đưa ra một số kinh nghiệm và lưu ý khi kiểm sát định kỳ theo kế hoạch
16-08-2023
1227 lượt xem
Những điểm mới của Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website