Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất”, cho thấy thực tiễn hiện nay, còn có quan điểm khác nhau về việc xác định hợp đồng tặng cho tài sản giả tạo, nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Tác giả xin nêu ra một số đặc điểm cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết đối với hợp đồng tặng cho tài sản giả tạo, như sau.
Nội dung: Vợ chồng ông Nguyễn T vay của bà Lê Thị D 20 chỉ vàng 24K và hẹn 01 năm sau sẽ trả, nhưng sau đó vợ chồng ông Nguyễn T không trả nợ như đã cam kết nên bà Lê Thị D khởi kiện. Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2020/DS-ST của Tòa án huyện H, tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị D buộc vợ chồng ông Nguyễn T phải trả nợ vay.
Tuy nhiên, khi bà Lê Thị D yêu cầu thi hành bản án số 15/2020/DS-ST của Tòa án huyện H, thì biết được ông Nguyễn T chỉ có một căn nhà duy nhất và ông Nguyễn T đã lập hợp đồng tặng cho em trai là ông Nguyễn B nhưng ông Nguyễn T vẫn là người quản lý, sử dụng căn nhà đã cho ông Nguyễn B. Vì vậy, bà Lê Thị D khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn T với ông Nguyễn B là hợp đồng vô hiệu.
Bản án dân sự sơ thẩm số 13/2022/DS-ST Tòa án H, tuyên xử không chấp nhận khởi kiện của bà Lê Thị D về tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn T với ông Nguyễn B là hợp đồng vô hiệu. Bà Lê Thị D kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Quan điểm của Viện KSND tỉnh Bình Thuận, thấy rằng: Các căn cứ để xác định hợp đồng tặng cho tài sản giữa ông Nguyễn T với ông Nguyễn B là giả tạo được thể hiện qua các sự kiện sau đây:
Thứ nhất: Tại thời điểm tặng cho tài sản là quyền sử dụng đất, thì ông Nguyễn T biết rõ mình đang có nghĩa vụ trả nợ cho người khác nhưng không còn có tài sản nào để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.
Thứ hai: Căn nhà và đất là tài sản duy nhất của ông Nguyễn T và sau khi lập hợp đồng tặng cho tài sản thì không có việc chuyển giao tài sản cho ông Nguyễn B.
Thứ ba: Tài sản đem tặng cho có giá trị lớn, trong khi ông Nguyễn T còn khoản nợ không có khả năng thanh toán và không còn tài sản nào khác.
Kết quả Tòa án xét xử phúc thẩm đã sửa bản án dân sự sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn T với ông Nguyễn B có chứng thực của UBND thị trấn T là hợp đồng vô hiệu do giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ theo quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật dân sự năm 2015 (Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu), như quan điểm và đề nghị của Viện kiểm sát.
Thông qua vụ án nêu trên, thấy rằng: Có nhiều căn cứ khác nhau để xác định hợp đồng tặng cho tài sản là giả tạo, nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả có 03 vấn đề quan trọng nhất, gồm:
Một là, đối tượng được đem tặng cho có phải là tài sản duy nhất hay không?
Hai là, trình trạng nợ và khả năng trả nợ của người lập hợp đồng tặng cho tài sản?
Ba là, có việc chuyển giao tài sản khi hợp đồng tặng cho tài sản có hiệu lực hay không?
TD- Phòng 9 Viện KSND tỉnh