Luôn quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành
Báo cáo nêu rõ, những năm qua, bên cạnh việc kinh tế - xã hội phát triển nhanh và hội nhập quốc tế sâu rộng thì tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp. Số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật ngày càng tăng, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, phi truyền thống với tính chất phức tạp hơn, hậu quả đặc biệt lớn…
Cụ thể, trung bình lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/ năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10 %– 12%/ năm, có năm tăng 15%/ năm. Như vậy, hơn 10 năm qua khối lượng công việc của Ngành phải thực hiện tăng lên gấp đôi với yêu cầu pháp luật ngày càng cao nhưng biên chế của Ngành không tăng, số lượng Kiểm sát viên trong toàn ngành không thay đổi; biên chế Kiểm sát viên của Viện kiểm sát các cấp có sự chênh lệch rất lớn so với số lượng Điều tra viên của ngành Công an nhân dân hiện nay.
Ngành KSND với hoạt động đặc thù thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với Cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân và các cơ quan khác có thẩm quyền điều tra; đồng thời có chức năng trực tiếp điều tra 38 tội danh xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong lĩnh vực tư pháp nên hoạt động kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra của VKSND các cấp chiếm hơn 1/2 khối lượng công tác nghiệp vụ (như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng) nhưng hiện nay ngành Kiểm sát thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không được thực hiện theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như Cơ quan điều tra trong Công an, Quân đội nên đây cũng là một khó khăn lớn trong hoạt động của Ngành.
Hơn nhiệm kỳ qua, Viện trưởng VKSND tối cao xác định phương châm hoạt động của toàn Ngành là “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, Kỷ cương – Thực chất, hiệu quả” và đầu năm 2023 điều chỉnh thêm nội hàm “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”; đồng thời chỉ đạo quán triệt và tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là triển khai cụ thể lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát viên là phải: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.
Ngay từ đầu năm, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị công tác, trong đó xác định những mục tiêu, yêu cầu, nội dung trọng tâm và các giải pháp chủ yếu để toàn Ngành có căn cứ, cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, đều có sơ kết, tổng kết để đánh giá tiến độ, chất lượng công việc, đề ra những biện pháp cụ thể để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ và đạt, vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao...
Bằng những biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, cùng với những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, chất lượng các mặt công tác của ngành KSND có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt.
Gắn công tố với hoạt động điều tra
Báo cáo khẳng định, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp về hình sự là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành. Bên cạnh giải pháp chung, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo toàn Ngành thực hiện những giải pháp cụ thể, như: tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra.
Theo đó, VKSND các cấp phải kiểm sát ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng; yêu cầu kiểm sát 100% trường hợp thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; yêu cầu Kiểm sát viên nắm chắc tiến độ điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ vụ án; thận trọng khi xét, phê chuẩn các lệnh, quyết định tố tụng; tăng cường trực tiếp lấy lời khai, hỏi cung bị can trước khi phê chuẩn, bảo đảm chống oan sai...
Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị, của Kiểm sát viên, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại sau đó phải đình chỉ bị can do không phạm tội; kiểm điểm xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể, lãnh đạo đơn vị...
Với những giải pháp trên, kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành Kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2021, 2022, Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can (tỉ lệ trung bình đạt 93,1% số vụ và 96% số bị can); tỉ lệ truy tố đúng thời hạn 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu Quốc hội giao); thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với 165.065 vụ/309.707 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với 32.596 vụ/55.297 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 794 vụ/1.104 bị cáo.
Trong đó, VKSND các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ (điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma); các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành Kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý, thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước...
Những khâu đột phá của ngành KSND
3 năm gần đây, Viện trưởng VKSND tối cao xác định công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự là một trong những khâu đột phá của ngành. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành nhiều chỉ thị công tác trong đó có nhiều yêu cầu và biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác này, như: xác định Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phải trực tiếp chịu trách nhiệm kết quả thực hiện khâu công tác này, phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo những Kiểm sát viên có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án, đấu thầu, mua sắm đầu tư công và những lĩnh vực khác có liên quan;...
Trong lĩnh vực kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính, Viện trưởng VKSND tối cao đã yêu cầu VKSND các cấp tập trung kiểm sát chặt chẽ việc xác minh, phân loại điều kiện thi hành án; việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế và việc xét miễn, giảm thi hành án; nâng cao chất lượng kiểm sát trực tiếp và quan tâm kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị đã ban hành;...
Trong công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo nhiều biện pháp, như: tăng cường biệt phái Kiểm sát viên có trình độ, năng lực kinh nghiệm để giải quyết án giám đốc thẩm, tái thẩm cho các VKSND cấp cao; yêu cầu các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao để trao đổi nghiệp vụ, nắm tình hình tiếp nhận và kết quả giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng thời hạn;...
Với những giải pháp trên, công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát đã đạt kết quả chuyển biến tích cực.
Chỉ tính riêng trong hai năm 2021, 2022, Viện kiểm sát các cấp kiểm sát việc giải quyết 860.439 vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động; kiểm sát 155.198 phiên tòa, phiên họp; kiểm sát 769.610 bản án, quyết định; ban hành và được chấp nhận 1.813/2280 kháng nghị phúc thẩm (vượt 9,50 % so với chỉ tiêu của Quốc hội); Số kháng nghị GĐT, tái thẩm được chấp nhận 474/702 kháng nghị đạt tỉ lệ 67,52 %; ban hành 3.548 kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm với tỉ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 92,1 %, (vượt 12,1 % so với chỉ tiêu của Quốc hội); đã giải quyết 14.108 đơn/7.957 việc dân sự; đạt tỉ lệ 77,9 % số việc, (vượt 17,9 % so với chỉ tiêu của Quốc hội).
Trong lĩnh vực hành chính, Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát 24.190 vụ; đã ban hành 226 kháng nghị phúc thẩm được Tòa án chấp nhận kháng nghị là 117 (đạt 53,91%); đã ban hành 42 kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận kháng nghị là 30 kháng (đạt 78,9%, vượt 3,9% so với chỉ tiêu Quốc hội); ban hành 218 kiến nghị; được Tòa án chấp nhận 211 kiến nghị (đạt 99,7%, vượt 19,7% so với chỉ tiêu Quốc hội); giải quyết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tỉ lệ 57,2% trên tổng số đơn thụ lý và đạt tỉ lệ 87,9% trên số đơn có hồ sơ vụ án (vượt 27,9% so với chỉ tiêu Quốc hội).
Trong thi hành án dân sự, hành chính, đã thụ lý kiểm sát 1.705.430 việc/ hơn 626.187 tỉ đồng; ban hành 2.986 kiến nghị và kháng nghị. Riêng trong năm 2022, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện kiểm sát và ban hành 123 kháng nghị, 1.432 kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm, tỉ lệ kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận đạt 99,7 % (vượt 19,7 % so với yêu cầu của Quốc hội); đã ban hành 93 bản kiến nghị (dạng tổng hợp) đối với người phải thi hành án (Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân), cơ quan Thi hành án dân sự và Tòa án nhân ; 86/93 kiến nghị của VKSND các cấp được chấp nhận, khắc phục vi phạm (chiếm 92,25%).
Tăng cường luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ
Báo cáo cho biết, lãnh đạo VKSND tối cao luôn coi trọng công tác cán bộ; trong đó việc lựa chọn đúng và phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cấp Kiểm sát sẽ quyết định chất lượng công tác của toàn Ngành.
Từ nhận thức trên, Ban Cán sự đảng và Viện trưởng VKSND tối cao đã thống nhất ban hành các Nghị quyết cho một số chủ trương, biện pháp cụ thể như: chủ động rà soát nguồn quy hoạch hiện có trên cơ sở đó có điều chỉnh, bổ sung các nhân tố mới và đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp còn hạn chế hoặc hết tuổi; có chủ trương tăng cường luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ và qua đó lựa chọn cán bộ thực sự nổi trội trong danh sách quy hoạch để bố trí, phân công nhiệm vụ ở các địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng hoặc lĩnh vực cần phải đổi mới, đột phá...
Trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo VKSND các cấp chủ động đổi mới phương pháp, hình thức đào tạo trong đó: tập trung xây dựng kế hoạch dài hạn, tăng cường chất lượng đào tạo cho các cơ sở đào tạo của Ngành; luôn coi trọng việc tự học, tự đào tạo, đào tạo qua phân công, kèm cặp cụ thể trong công việc; đào tạo theo chuyên đề chuyên sâu bằng hình thức trực tuyến từ cấp tối cao đến các cấp kiểm sát;...
Kết quả trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, VKSND tối cao đã quy hoạch, đào tạo và báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm 6 Phó Viện trưởng VKSND tối cao từ nguồn tại chỗ; trong đó có 2 đồng chí trong nguồn quy hoạch Trung ương; đã điều động, luân chuyển, biệt phái nhiều Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng ở VKSND tối cao về giữ chức vụ Viện trưởng VKSND cấp tỉnh và ngược lại Viện trưởng VKSND cấp tỉnh về giữ chức vụ Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao.
Chỉ riêng 2 năm 2021, 2022 đã có 32 cán bộ trong diện nêu trên được luân chuyển, điều động, biệt phái. Hầu hết các cán bộ được lựa chọn, phân công đều phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ; các đơn vị có cán bộ được điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí đều phát huy năng lực, kết quả công tác của đơn vị được nâng lên, khắc phục được tồn tại, hạn chế trước đây.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao đạt được nhiều kết quả tích cực
Xác định hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là một thiết chế đặc thù nhằm kiểm soát quyền lực tư pháp, có vị trí quan trọng góp phần đảm bảo hoạt động tư pháp ngày càng trong sạch; do đó, Viện trưởng VKSND tối cao luôn yêu cầu các Điều tra viên luôn phải giữ vững phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh và không được có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ và xác định đây là điều kiện “sống còn” để có thể hoàn thành nhiệm vụ đầy khó khăn này.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo: tiếp tục kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao để từng bước chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ nhưng có sự chế ước theo quy định của pháp luật trong nội bộ Ngành; tiếp tục đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ điều tra cho Điều tra viên, cán bộ điều tra bằng nhiều hình thức phù hợp;...
Với những giải pháp trên, trong thời gian qua kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã đạt kết quả tích cực như: kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm, không để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Chỉ tính riêng hai năm 2021, 2022, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thụ lý giải quyết 299 nguồn tin về tội phạm; đã giải quyết 249 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thụ lý điều tra 94 vụ/114 bị can; đã xử lý, giải quyết 76 vụ/97 bị can, đạt tỉ lệ 80,9%, tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 73,6% (vượt 3,6% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 96%, (vượt 6% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội); tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng đạt 72,2% (vượt 12,2% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội);
Ban hành 139 kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan xử lý cán bộ vi phạm và áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm; trong đó, có 3 kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiều biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án và được các cơ quan tiếp thu, thực hiện.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước
Báo cáo nhấn mạnh, để đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Ngành, VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội một số nội dung sau:
Thứ nhất: Xem xét chỉ đạo rà soát và kịp thời ban hành, bổ sung điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đáp ứng các yêu cầu kỷ luật, kỷ cương, chặt chẽ, thống nhất, đầy đủ và có hành lang pháp lý an toàn tạo điều kiện cho cán bộ năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo động lực phát triển đất nước.
Thứ hai: Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng chính sách xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Thứ ba: Tăng cường sự chỉ đạo, giám sát của Quốc hội đối với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng pháp luật, giải thích, hướng dẫn áp dụng thống nhất những quy định pháp luật còn vướng mắc trong nhận thức giữa các cơ quan tư pháp.
Thứ tư: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Thứ năm: Đề nghị tăng số lượng Kiểm sát viên trong biên chế được giao, đảm bảo cho ngành Kiểm sát có đủ cán bộ có chức danh tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Xem bài viết gốc tại đây.