Về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt
Khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định trường hợp Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Quy định này đã tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của Tòa án đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu, là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm nhưng bị xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với đồng phạm khác. Đây là quy định thể hiện tính nhân đạo và khoan hồng của chính sách hình sự, đảm bảo việc quyết định hình phạt phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, vẫn còn một số nhận thức khác nhau về việc áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015.
Ý kiến thứ nhất cho rằng, để được áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 thì người phạm tội phải thỏa mãn điều kiện của khoản 1 Điều 54 BLHS, tức là có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể.
Ý kiến thứ hai cho rằng, người phạm tội chỉ cần có 01 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và phạm tội lần đầu, giúp sức với vai trò không đáng kể, vì khoản 1 và khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 là hai quy định độc lập, bị cáo sẽ được áp dụng khoản 2 khi thỏa mãn điều kiện do luật định.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến thứ hai, bởi đây là điều luật thể hiện tính nhân đạo và khoan hồng của pháp luật, đặc biệt đối với các vụ án nhiều bị can tham gia với vai trò thứ yếu, thể hiện được sự phân hóa trong xác định vai trò và quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Vấn đề này hiện chưa có văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong giải quyết các vụ án hình sự nên gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm
Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, trong một số trường hợp, Tòa án đánh giá không đúng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng khi người phạm tội không có đủ điều kiện, vi phạm nghiêm trọng Điều 54 BLHS năm 2015. Cụ thể:
- Vi phạm trong áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Thứ nhất, người phạm tội chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, nhưng Tòa án vẫn áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 để tuyên hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, dẫn đến mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo quá nhẹ, không đủ nghiêm để răn đe và phòng ngừa tội phạm.
Ví dụ: Vụ án buôn lậu xảy ra ở tỉnh N. Năm 2017, bị cáo C và V mở tờ khai hải quan nhập khẩu 40 bộ lưu điện UPS cho công ty qua cửa khẩu sân bay quốc tế tỉnh N. Tuy nhiên, sau khi lô hàng được thông quan, lực lượng Hải quan kiểm tra, phát hiện, thu giữ và xác định thực tế hàng hóa công ty nhập khẩu là 200 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6 Plus, không phải bộ lưu điện. Định giá tài sản xác định lô hàng có giá trị là 3.198.000.000 đồng. Hành vi của bị cáo C và V phạm tội buôn lậu theo điểm a khoản 4 Điều 188 BLHS năm 2015 (có mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm). Bị cáo V chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, không đủ điều kiện để được áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo mức án là 08 năm tù là không đúng. Sau đó, bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bản án phúc thẩm nhận định bị cáo V tự giác khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và tích cực giúp Cơ quan điều tra sớm kết thúc vụ án để áp dụng thêm điểm t khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là không chính xác, vì đây là tình tiết thành khẩn khai báo tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và đã được áp dụng đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo V tác động gia đình nộp tiền phạt bổ sung 50 triệu đồng nên Tòa án quyết định giảm án cho bị cáo xuống còn 07 năm tù (mức thấp nhất của khoản 3 Điều 188 BLHS năm 2015) là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật hình sự.
Thứ hai, bị cáo chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 nhưng cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thêm 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác không đúng quy định của pháp luật để quyết định hình phạt theo khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015.
Ví dụ: Vụ án buôn bán hàng cấm xảy ra ở tỉnh H. Bị cáo T có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng là vận chuyển trái phép thuốc lá ngoại với khối lượng rất lớn (41.450 bao). Bị cáo T chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá toàn diện, đầy đủ tình tiết giảm nhẹ, áp dụng điểm b khoản 3 Điều 191 BLHS năm 2015 để xử phạt bị cáo T 04 năm tù về Tội vận chuyển hàng cấm là phù hợp (có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm tù). Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định thêm tình tiết “bị cáo vừa mới đưa hàng lên xe và chưa đi khỏi địa bàn tỉnh H thì đã bị bắt giữ, thu hồi toàn bộ vật chứng và chưa được hưởng lợi gì” để áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 và sửa bản án sơ thẩm, xử phạt T 03 năm tù, nhưng cho hưởng án treo là không có cơ sở. Bởi vì, bị cáo vận chuyển 41.450 bao thuốc lá ngoại, số lượng này lớn gấp hơn 09 lần so với số lượng khởi điểm tại điểm b khoản 3 Điều 191 BLHS năm 2015 “Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên”. Thực tế, bị cáo đã đi được 3km khỏi nơi quản lý của chủ tài sản thì bị bắt quả tang. Do đó, xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm thì không thuộc trường hợp “chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn”. Hình phạt cấp phúc thẩm quyết định đối với bị cáo là quá nhẹ, không nghiêm minh, không đảm bảo tính răn đe, phòng, chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay và sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật về quyết định hình phạt.
Theo tác giả, đối với hai tình huống trên, Kiểm sát viên cần: (1) Nắm chắc các quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan và các tình tiết của vụ án để phân tích, đánh giá chính xác vi phạm của Tòa án; (2) Xác định đúng tính chất, mức độ vi phạm để có hướng xử lý phù hợp đúng quy định của pháp luật. Theo đó, nếu việc áp dụng không đúng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 dẫn đến mức án đã tuyên đối với bị cáo là quá nhẹ, không bảo đảm tính giáo dục và phòng ngừa thì Viện kiểm sát kiên quyết kháng nghị, yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền khắc phục. Trường hợp mặc dù có vi phạm trong áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 nhưng mức hình phạt có thể chấp nhận được, thì Viện kiểm sát có thể tích lũy để kiến nghị Tòa án, không để xảy ra vi phạm tương tự.
- Vi phạm trong áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Tòa án đánh giá không đúng tính chất hành vi, vai trò, vị trí của người phạm tội trong vụ án có nhiều đồng phạm, dẫn đến xử phạt không đủ nghiêm đối với các bị cáo, vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự.
Ví dụ: Vụ án tham ô tài sản ở tỉnh P. Từ năm 2010 đến năm 2017, các bị cáo X, Y, Z đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thống nhất, bàn bạc cùng thực hiện hành vi gian dối, lập khống chứng từ, sổ sách, tài liệu kế toán để chiếm đoạt tổng số tiền là 2,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mà các bị cáo có trách nhiệm trực tiếp quản lý. Hành vi phạm tội của các bị cáo thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng theo điểm a khoản 4 Điều 353 BLHS năm 2015 (có mức hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình). Xét các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả”, “người phạm tội tự thú” và “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS năm 2015 xử phạt các bị cáo hình phạt từ 15 năm đến 17 năm tù (mức hình phạt tại khoản 3 Điều 353 BLHS năm 2015) là đúng pháp luật. Các bị cáo có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, không có tình tiết mới, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, xử phạt các bị cáo từ 12 năm đến 13 năm tù (dưới hai khung, mức hình phạt của khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015) là vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bởi lẽ, các bị cáo có vai trò chính hoặc người thực hành tích cực trong vụ án, không phải là người đồng phạm giúp sức với vai trò không đáng kể, không đủ điều kiện được xử phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt nhưng không cần trong khung hình phạt liền kề.
Theo tác giả, khi phát hiện sai phạm nêu trên, Kiểm sát viên cần nắm vững quy định về đồng phạm, đồng thời phân tích kỹ các tình tiết khách quan của tội phạm để xác định chính xác vị trí, vai trò của từng người trong vụ án có đồng phạm. Từ đó, đưa ra lập luận để kháng nghị yêu cầu Tòa án khắc phục, bảo đảm mức hình phạt đối với từng bị cáo có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
- Vi phạm trong áp dụng khoản 1, khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 59 Bộ luật Hình sự năm 2015:
Ví dụ: Vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, xảy ra ở tỉnh H. Bị cáo L và V đã cùng nhau bàn bạc, thuê một phòng hát karaoke và rủ rê bạn bè đến sinh nhật. Sau đó chuẩn bị ma túy loại Ketamine cho bạn bè cùng sử dụng và bị bắt quả tang. Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 54 và Điều 59 BLHS năm 2015, miễn hình phạt đối với bị cáo L và V về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, trong vụ án này, các bị cáo L và V có vai trò chính, cùng thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực. L trực tiếp đổ Ketamine ra đĩa sứ, dùng thẻ đánh và mang đi mời mọi người sử dụng. V cầm túi nilon có 10 viên nén phát cho mọi người. Do đó, việc nhận định các bị cáo chỉ có vai trò giúp sức, không đáng kể trong vụ án là đánh giá thấp tính chất, mức độ nghiêm trọng trong hành vi phạm tội của 02 bị cáo. Trường hợp này, L chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo V không thành khẩn khai báo và không có tình tiết giảm nhẹ. Cả 02 bị cáo không phải là người giúp sức nhưng có vai trò không đáng kể, nên không thể đánh giá là đáng được khoan hồng đặc biệt. Do đó, hai bị cáo không đủ điều kiện để được áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt theo các khoản 1, 2 Điều 54 BLHS năm 2015 và không thể được miễn hình phạt theo Điều 59 BLHS năm 2015. Việc Tòa án quyết định miễn hình phạt cho các bị cáo L và V là không đúng quy định, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy hiện nay.
Tóm lại, khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ phần quyết định hình phạt của bản án, so sánh, đối chiếu việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt có thỏa mãn về điều kiện và phạm vi áp dụng của Điều 54 BLHS năm 2015 hay không. Nếu phát hiện Tòa án vi phạm Điều 54 BLHS năm 2015, áp dụng hình phạt quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ và hành vi phạm tội, không đánh giá đúng vị trí, vai trò của người phạm tội, không đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa tội phạm, thì Kiểm sát viên phải xác định rõ nội dung, tính chất, mức độ của vi phạm để đề xuất lãnh đạo Viện kháng nghị hoặc kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục, bảo đảm xử lý người phạm tội có căn cứ, đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, liên ngành tư pháp trung ương cần sớm phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn khái niệm “người giúp sức với vai trò không đáng kể” trong vụ án hình sự để áp dụng thống nhất nhằm tránh sai phạm hoặc lạm dụng quy định này trong thực tiễn./.
Ths. Bùi Thanh Hằng