Những vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý trong xét hỏi, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa hình sự
Ngày đăng: 05/08/2021 4681 lượt xem

Thực tiễn cho thấy việc công bố và xem xét chứng cứ thông qua phương thức trình chiếu các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa là cách thức sinh động, thuyết phục và hiệu quả cao hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói. Qua đó, đảm bảo thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng.

Kiểm sát viên VKSND huyện Mai Sơn (Sơn La) công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa sơ thẩm hình sự (ảnh tư liệu).

Việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa của Kiểm sát viên (KSV) được thực hiện thời điểm nào, trường hợp nào, tùy thuộc vào từng vụ án, từng tình huống phát sinh trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Hoạt động này được KSV thực hiện ở phần “thủ tục tranh tụng tại phiên tòa”, quy định tại Mục V của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 nhằm xác định sự thật của vụ án (Điều 15); trình bày, tranh luận, làm rõ chứng cứ, các tình tiết, nội dung vụ án tại phiên tòa (Điều 26); để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (khoản 2 Điều 322). Cụ thể:

Sau khi nắm chắc từng nội dung số hóa hồ sơ ở các giai đoạn tố tụng trước, tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa, KSV cần chọn lựa phương pháp xét hỏi phù hợp phục vụ việc chứng minh và khẳng định các tài liệu được thu thập trong quá trình điều tra có trong hồ sơ vụ án đảm bảo tính hợp pháp, tính khách quan, tính liên quan của tài liệu chứng cứ theo Điều 86, Điều 88 BLTTHS năm 2015.

Khi xét hỏi, KSV tập trung vào những nội dung Hội đồng xét xử chưa hỏi hoặc hỏi rồi nhưng còn thiếu hoặc chưa rõ, hỏi về những nội dung còn mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho đối đáp tranh tụng (hỏi để nhấn mạnh lại một lần nữa các chứng cứ đã có trong hồ sơ để khẳng định giá trị của các chứng cứ, phục vụ cho hoạt động đối đáp, tranh luận). Khi thực hiện việc xét hỏi trong vụ án có nhiều bị cáo hoặc đồng phạm, KSV phải có kế hoạch xét hỏi bị cáo nào trước, bị cáo nào sau; hỏi vấn đề nào trước để khai thác đầy đủ các thông tin cần đánh giá, đấu tranh với những mâu thuẫn trong lời khai, làm bộc lộ được những tình tiết có ý nghĩa chứng minh sự thật vụ án (nên dựa vào đề cương xét hỏi điện tử đã phân loại, dự kiến trước đó). Trong trường hợp bị cáo chối tội, KSV không nên hỏi ngay bị cáo, mà cần hỏi người làm chứng và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh đã được thu thập hợp pháp đúng quy định tố tụng để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo để bị cáo xác nhận; công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh lời khai bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố, sau đó mới hỏi bị cáo để bị cáo nhận thức và thừa nhận chứng cứ buộc tội.

Kiểm sát viên cần đối đáp, tranh luận từng vấn đề, từng ý kiến. Trường hợp các vụ án đồng phạm có nhiều Luật sư bào chữa nêu ý kiến thì KSV phải chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ và phân loại thành từng nhóm vấn đề để kịp thời truy xuất dữ liệu tại các bản trích cứu điện tử, tài liệu hồ sơ đã số hóa để đối đáp, tranh luận. Nội dung tranh luận phải ngắn gọn, khách quan, toàn diện, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ và nhất thiết phải dựa vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Việc tranh luận phải đầy đủ tất cả các ý kiến của Luật sư, không được để sót hoặc không tranh luận.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động xét hỏi công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa thì bên cạnh kỹ năng chung, KSV cần phải có những phương pháp làm việc, phương pháp tác động và cách thức thực hiện trình chiếu, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh một cách cụ thể:

Phương pháp làm việc: Cần thực hiện phương pháp “làm việc theo nhóm”, vì nếu chỉ một KSV thì rất khó khăn trong việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Nhóm cán bộ được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử gồm hai KSV hoặc một Phó Viện trưởng và một KSV, hoặc nhiều hơn nếu là vụ án phức tạp, nhiều bị cáo… tùy vào tình hình cụ thể để đáp ứng yêu cầu công việc. Trên thực tế có một số địa phương phân công Kiểm tra viên hỗ trợ KSV tại phiên tòa, Kiểm tra viên có nhiệm vụ trình chiếu các tài liệu, chứng cứ, dữ liệu điện tử (khi KSV công bố tài liệu hoặc trình chiếu theo sự phân công của KSV). Tuy nhiên, tại Điều 9 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế số 505) chỉ quy định Kiểm tra viên giúp việc KSV trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án mà chưa có quy định cụ thể trong trường hợp trên.

Theo quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án (Thông tư số 01/2017) cũng không quy định vị trí chỗ ngồi của Kiểm tra viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Có nhiều quan điểm cho rằng Kiểm tra viên phải ngồi phía dưới vì Kiểm tra viên không có nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa và như vậy phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm tra viên theo quy định của BLTTHS. Trong trường hợp Kiểm tra viên tham gia phiên tòa số hóa với tư cách là cán bộ hỗ trợ về kỹ thuật, trình chiếu các tài liệu, chứng cứ đã được số hóa theo sự phân công của KSV thì có thể tạo ra sự không không hiểu ý nhau, vô tình công bố nhầm các chứng cứ sẽ gây khó khăn cho quá trình chứng minh tội phạm và người phạm tội. Từ những phân tích trên, cần bổ sung quy định tại Quy chế số 505 và Thông tư số 01/2017 theo hướng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và vị trí chỗ ngồi của Kiểm tra viên khi tham gia các phiên tòa có công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh.

Phương pháp tác động: Tại phiên tòa, bằng các thao tác nghiệp vụ, KSV thực hiện các hoạt động xét hỏi, tranh luận, đối đáp trực tiếp bằng lời nói (âm thanh), đồng thời tác động trực quan, sinh động bằng hình ảnh tới tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa.

Cách thức thực hiện trình chiếu, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh: 01 KSV thực hiện các thao tác nghiệp vụ thông thường tại phiên tòa theo quy định của pháp luật và quy chế ngành; 01 KSV khác hoặc Kiểm tra viên phối hợp thực hiện trình chiếu, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh để mọi người có mặt tại phiên tòa được biết, theo dõi (nên lựa chọn những KSV, Kiểm tra viên đã giúp việc cho KSV về vụ án đó và có hiểu biết về công nghệ thông tin).

Khi KSV công bố cáo trạng thì đồng thời trình chiếu bản cáo trạng đã được số hóa lên màn hình chiếu cho tất cả những người có mặt tại phiên tòa biết và theo dõi. Có 02 cách thức trình chiếu: Chiếu lên màn hình bản scan cáo trạng (nếu dùng phần mềm Foxit Reader thì nhấn phím “F11” để chiếu toàn màn hình, di chuyển trang bằng phím mũi tên phải; có thể kết hợp thao tác zoom màn hình máy tính bằng tổ hợp phím “window và dấu +” để nhìn rõ hơn) hoặc tóm tắt những nội dung chính của cáo trạng được cho là cần thiết, nhập nội dung vào Power point để trình chiếu (tăng cỡ chữ to, có thể tô màu để người xem dễ nhận biết).

Trong quá trình tranh luận với Luật sư, bị cáo và những người khác để bảo vệ cáo trạng, quan điểm của Viện kiểm sát và làm rõ những nội dung tranh luận để xác định sự thật khách quan của vụ án, cùng với việc đối đáp tranh luận thì Kiểm tra viên hay KSV giúp việc công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa phải chiếu chứng cứ, tài liệu buộc tội, gỡ tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (bản ảnh các tài liệu, chứng cứ, lời khai, các file ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh….). Ví dụ: Trường hợp tại phiên tòa, bị cáo thay đổi, phủ nhận lời khai đã khai trước đó hoặc phát sinh nội dung mới cần phải đối chất, đối chiếu với những lời khai trước để xác định sự thật khách quan hoặc trường hợp bị cáo cho rằng bị mớm cung, dùng nhục hình trong quá trình lấy lời khai tại Cơ quan điều tra thì KSV đề nghị Hội đồng xét xử cho chiếu đoạn phim, clip hoặc đoạn ghi âm đối với bị cáo trong quá trình điều tra.

Đối với bản luận tội, KSV có thể áp dụng cách thức tóm tắt nội dung cần thiết, nhập nội dung vào Power point để trình chiếu. Việc này sẽ có ý nghĩa hỗ trợ nhiều mặt cho KSV, đồng thời phục vụ giáo dục, phổ biến pháp luật bằng hình ảnh ngay tại phiên tòa). Kiểm sát viên cần lưu ý khi công bố chứng cứ tài liệu phải tuân theo quy định tại các điều 308, 312, 315 BLTTHS năm 2015 như: Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử, KSV không được công bố lời khai của họ trong các giai đoạn điều tra, truy tố. Chỉ được công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: Lời khai người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ lời khai của mình; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết hoặc người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ… Ngoài ra, những tài liệu mật khi công bố phải được giải mật, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền./.

Lê Xuân Quang

(kiemsat.vn)
18-11-2024
262 lượt xem
Kinh nghiệm Kiểm sát việc giải quyết “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản” bị vô hiệu, do trốn tránh trách nhiệm đối với người thứ ba
13-09-2024
898 lượt xem
Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính
22-04-2024
4778 lượt xem
Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch
02-04-2024
5844 lượt xem
Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.
28-03-2024
1941 lượt xem
Để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chống oan sai,
25-09-2023
2187 lượt xem
Thực tiễn những năm qua cho thấy, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn trường hợp hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính.
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website