Những vi phạm, thiếu sót của Tòa án khi ban hành bản ánvà giải pháp góp phần khắc phục
Ngày đăng: 02/04/2021 11889 lượt xem

Từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại (gọi chung là vụ việc dân sự) của Tòa án hai cấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Viện KSND tỉnh Bình Thuận, nhận thấy còn nhiều bản án của Tòa án ban hành có sai sót, xuất phát từ việc nhận thức và áp dụng pháp luật của người tiến hành tố tụng không thống nhất; tác giả nêu lên ví dụ cụ thể của thiếu sót do sai lầm trong việc áp dụng pháp luật để minh họa, như sau:

1 - Vi phạm về quyết định lãi suất trong bản án không đúng pháp luật

Vụ án thứ nhất: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa: Ngân hàng TMCP SH, với bị đơn là ông Phạm Hoàng V.

- Tại Bản án sơ thẩm số 01/2021/KDTM-ST ngày 09/3/2021 của TAND huyện B, tuyên xử: Buộc ông Phạm Hoàng V trả cho Ngân hàng TMCP SH 2.097.702.496 đồng, gồm: nợ gốc 1.700.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn 292.689.469 đồng, nợ lãi quá hạn 98.381.103 đồng, nợ lãi phạt chậm trả lãi 6.622.924 đồng.

Vụ án thứ hai:“Tranh chấp hợp đồng tín dụng”; giữa: Ngân hàng TMCP SH, với bị đơn là bà Đỗ Thị H.

- Tại Bản án sơ thẩm số 02/2021/KDTM-ST ngày 09/3/2021 của TAND huyện B, tuyên xử: Buộc bà H trả cho Ngân hàng TMCP SH 1.472.173.950 đồng, gồm: nợ gốc 1.200.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn 193.984.480 đồng, nợ lãi quá hạn 75.123.275 đồng và nợ lãi phạt chậm trả lãi 3.065.835 đồng.

Cả 02 bản án KDTM nêu trên, tại phần quyết định đều tuyên: Kể từ ngày 10/3/2021, bị đơn còn phải trả lãi phát sinh trên nợ gốc và tiền phạt chậm trả lãi cho đến khi thanh toán hết nợ gốc và lãi chậm trả theo lãi suất đã thỏa thuận trong hợp đồng cấp hạn mức tín dụng mà bị đơn đã ký với nguyên đơn.

Vấn đề thiếu sót của 02 bản án nêu trên, là: Tại phần Quyết định của bản án sơ thẩm tuyên xử về nghĩa vụ của bị đơn như nêu ở trên, là không đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 ngày 11/01/2019 của TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất,…; quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án (sau đây viết và gọi tắt là Nghị quyết số 01 ngày 11/01/2019 của TAND tối cao).

- Điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01 ngày 11/01/2019 của TAND tối cao, quy định Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:

a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2 - Tuyên xử về nghĩa vụ trả nợ vay của vợ chồng không phù hợp quy định của pháp luật.

- Vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Lê Văn H với bị đơn là ông Lê Q và bà Võ Thùy Ái V. Ngày 24/10/2017, bà V viết giấy vay của nguyên đơn 90 triệu đồng; bà V đã trả 40 triệu, còn nợ 50 triệu đồng. Tòa án sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn, do đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai. Tại Bản án sơ thẩm số 01 ngày 22/01/2021 của TAND huyện H, tuyên xử “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc ông Lê Q và bà Võ Thùy Ái V phải trả cho nguyên đơn số tiền 50 triệu đồng; ngoài ra còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo”.

Vấn đề thiếu sót của bản án, như sau:

- Một là: Trong vụ án này, ông Lê Q không tham gia ký kết hợp đồng vay tiền. Nguyên đơn cho rằng số tiền cho vợ chồng bà V vay là tài sản chung của bà V với ông Lê Q, thì nguyên đơn phải có trách nhiệm chứng minh ông Lê Q biết và đồng tình để bà V vay tiền, theo quy định tại Điều 91 Bộ luật TTDS 2015.

- Hai là: Tòa án sơ thẩm chưa làm rõ số tiền bà V vay của nguyên đơn có được sử dụng cho “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình” hay không, mà tuyên buộc ông Lê Q phải liên đới chịu trách nhiệm với bà V trả cho nguyên đơn 50.000.000 đồng, với lý do duy nhất là khoản vay phát sinh trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 27, khoản 1 Điều 30, Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, là nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Tài sản do một bên tạo ra trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung”. Nhưng không có quy định nào là cứ vay trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung. Trừ trường hợp một bên vợ hoặc chồng không tham gia giao dịch mà vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới trả nợ, khi thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình. Điều 27 dẫn chiếu các Điều 24, 25, 26, khoản 1 Điều 30 và Điều 27, đó là:

(i) Trường hợp bên giao dịch đã là đại diện hợp pháp của bên kia (theo ủy quyền hoặc theo pháp luật) – Điều 24;

(ii) Trường hợp kinh doanh chung - Điều 25;

(iii) Trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ - Điều 26;

(iiii) Trường hợp giao dịch “nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình” – khoản 1 Điều 30 và Điều 37.

Hợp đồng vay tiền giữa bà V với nguyên đơn không thuộc một trong các trường hợp từ (i) đến (iiii), nhưng Tòa án sơ thẩm tuyên buộc ông Lê Q phải liên đới chịu trách nhiệm với bà V trả cho nguyên đơn 50.000.000 đồng, là không phù hợp với quy định pháp luật đã viện dẫn ở trên.

Thông qua các thiếu sót của Tòa án trong việc ban hành bản án nêu trên, có thể thấy sự cần thiết của việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-VKSTC ngày 06/4/2016 và Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 22/3/2018 của Viện trưởng Viện KSND tối cao “Về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ việc dân sự, vụ án hành chính”, “Về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, là nhiệm vụ bắt buộc của Kiểm sát viên, công chức làm lĩnh vực công tác này, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự; góp phần nâng cao vị thế của Viện kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.

Tác giả xin nêu một số biện pháp tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ kiểm sát bản án dân sự của Tòa án, nhằm góp phần khắc phục hạn chế, tồn tại, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự thống nhất:

- Một là: Tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kịp thời việc tổ chức rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc đối với những thiếu sót, tồn tại trong quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự nhưng Kiểm sát viên không phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm của Tòa án để báo cáo kháng nghị, kiến nghị… nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên, công chức khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó phải thực hiện tốt chế độ thi đua, khen thưởng kịp thời đối với Kiểm sát viên, công chức có những thành tích tốt trong công tác nhằm tạo động lực, hứng khởi trong công việc, phát huy năng lực công tác.

- Hai là: Kiểm sát viên, công chức khi được phân công kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự phải thật sự nhiệt tình với công việc, có ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao, thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật, chịu khó nghiên cứu, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ công tác, nắm vững các quy định của Luật tố tụng, các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên.

- Ba là: Kiểm sát viên, công chức khi được phân công kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án phải thực hiện đúng quy trình, kỹ năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự của Tòa án (Ban hành kèm theo Quyết định số 399/QĐ-VKSTC ngày 06/9/2019 của Viện trưởng Viện KSND tối cao), đối chiếu các căn cứ ra bản án, quyết định với quy định pháp luật tố tụng đã đảm bảo về trình tự, thủ tục hay chưa; nội dung giải quyết thể hiện trong các bản án, quyết định có đúng với quy định pháp luật nội dung hay không. Trên cơ sở đó nếu phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên cần đề xuất, báo cáo lãnh đạo kịp thời kiến nghị Tòa án khắc phục trong trường hợp vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, kháng nghị trong trường hợp vi phạm pháp luật.

Có thể nói, trong bối cảnh lượng án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại ngày càng tăng, biên chế lại giảm, chế độ đãi ngộ chưa thật sự phù hợp đối với Kiểm sát viên, công chức làm lĩnh vực công tác này. Do đó phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, chú trọng việc học tập, rèn luyện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm việc giải quyết các vụ, việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật và đặc biệt nâng cao vị thế của Viện kiểm sát thông qua công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, gắn với mục tiêu xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, công chức “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

 

 

Phòng 9 – Viện KSND tỉnh Bình Thuận

 

 

 

 

18-11-2024
264 lượt xem
Kinh nghiệm Kiểm sát việc giải quyết “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản” bị vô hiệu, do trốn tránh trách nhiệm đối với người thứ ba
13-09-2024
900 lượt xem
Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính
22-04-2024
4797 lượt xem
Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch
02-04-2024
5844 lượt xem
Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.
28-03-2024
1943 lượt xem
Để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chống oan sai,
25-09-2023
2187 lượt xem
Thực tiễn những năm qua cho thấy, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn trường hợp hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính.
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website