Nội dung giải quyết vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ông Bùi Công H; bị đơn là bà Trần Thị L. Nguyên đơn và bị đơn tự nguyện đăng ký kết hôn năm 1994. Đến năm 2021, nguyên đơn đề nghị TAND huyện H giải quyết ly hôn vì lý do thường xuyên bất đồng quan điểm, vợ chồng mâu thuẫn, hai người đã ly thân không còn sống chung.
Quá trình giải quyết vụ án, ngày 05/01/2021, bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung và cam kết sẽ làm thủ tục phản tố trong thời hạn 15 ngày. Nhưng cũng trong cùng ngày 05/01/2021, Thẩm phán đã tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16/3/2021 bị đơn trình bày trong cuộc sống vợ chồng có phát sinh mâu thuẫn nhưng chưa lớn, hai vợ chồng không hòa giải được mâu thuẫn là do vấn đề kinh tế. Thực tế vợ chồng không ly thân mà thỉnh thoảng, bà có đến ở tại nơi bà làm việc (trạm y tế) để tiện cho việc chăm sóc bệnh ung thư cổ tử cung vì vẫn còn tình cảm nên bà không đồng ý ly hôn. Đồng thời, nguyên đơn và bị đơn đề nghị tạm ngừng phiên tòa để vợ chồng thỏa thuận về hôn nhân cũng như về tài sản chung.
Ngày 16/4/2021 Thẩm phán ban hành thông báo mở phiên tòa xét xử lại vào ngày 06/5/2021 nhưng bị đơn xin hoãn phiên tòa. Ngày 07/5/2021, Thẩm phán tiếp tục ban hành Thông báo cho các đương sự biết phiên tòa được mở lại vào ngày 21/5/2021nhưng vì bị đơn đang nhập viện để điều trị bệnh ung thư nên Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa với lý do: cần xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ, về tình trạng sức khỏe của bị đơn và ấn định lại thời gian mở phiên tòa vào ngày 28/5/2021.
Đến ngày 28/5/2021, mặc dù bị đơn đang nhập viện điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, không tham gia phiên tòa nhưng TAND huyện H vẫn đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn.
Bản án sơ thẩm của TAND huyện H, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn được ly hôn với bị đơn. Do không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án phúc thẩm xét xử lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Thứ nhất, vi phạm về thủ tục tố tụng
Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 05/01/2021 bị đơn có yêu cầu chia tài sản chung và sẽ làm thủ tục phản tố, có cam kết sau 15 ngày nếu không nộp đơn thì coi như bị đơn không có yêu cầu phản tố về chia tài sản chung. Tuy nhiên, Thẩm phán đã tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cùng ngày 05/01/2021, sau đó ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử là vi phạm quyền lợi của bị đơn, được quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS: “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”.
Tại phiên tòa ngày 21/5/2021 bị đơn đang nhập viện để điều trị bệnh nhưng Hội đồng xét xử không hoãn phiên tòa mà lại ra Quyết định tạm ngừng để xác minh tình trạng sức khỏe của bị đơn là vi phạm Điều 227 BLTTDS. Đồng thời, ngày 28/5/2021 tiếp tục đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn là chưa đảm bảo về thủ tục tố tụng. Sau khi thụ lý vụ án phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Thuận xác minh tại khoa ung bướu Bệnh viện tỉnh Bình Thuận kết quả cho thấy bị đơn nhập viện điều trị bệnh ung thư vào ngày 27/5/2021 và ra viện ngày 31/5/2021. Như vậy, sự vắng mặt của bị đơn tại phiên tòa ngày 28/5/2021 thuộc trường hợp phải tạm ngừng phiên tòa do “sự kiện bất khả kháng, do tình trạng sức khỏe mà người tham gia tố tụng không thể tham gia phiên tòa”, Toà án sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn là vi phạm điểm b khoản 1 Điều 259BLTTDS.
Thứ hai, vi phạm về nội dung
Bị đơn phát hiện ung thư phải nhập viện và phẫu thuật cắt tử cung hiện đã di căn lên phổi, suy giáp, xơ cứng bì toàn thể, viêm dạ dày nên thường xuyên phải nhập viện để chữa trị. Điều này cho thấy bị đơn đang ở trong tình trạng bệnh hiểm nghèo, sức khỏe suy kiệt nhưng nguyên đơn vẫn yêu cầu ly hôn là vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng được quy định tại Điều 19 Luật hôn nhân gia đình: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau…sống chung với nhau..”
Mặt khác, bị đơn không có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được nhưng Tòa án sơ thẩm vẫn giải quyết cho nguyên đơn được ly hôn bị đơn là chưa phù hợp với các điều kiện về ly hôn theo yêu cầu của một bên được quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân gia đình: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.
Vì những lý do trên, Tòa án phúc thẩm đã tuyên xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận việc nguyên đơn yêu cầu ly hôn bị đơn.
Thùy Dương – Phòng 9