Rút kinh nghiệm Kiểm sát giải quyết vụ án “ Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”
Ngày đăng: 19/05/2022 7691 lượt xem

Nội dung vụ án: Bà Huỳnh Thị Kim N vay của bà Nguyễn Thị M với tổng số tiền 970.000.000 đồng. Cụ thể: ngày 05/9/2016 vay 500.000.000đ với lãi suất 3%/tháng, ngày 13/12/2016 vay 470.000.000đ với lãi suất 6%/tháng. Đến ngày 02/3/2017 ông Lê Ngọc C là chồng bà N viết giấy mượn tiền để xác nhận số nợ trên. Bà M khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà N ông C trả cho bà số tiền nợ gốc là 970.000.000 đồng với lãi suất 1,1%/tháng. 

Ngày 09/6/2021, TAND huyện Hàm Thuận Nam đưa vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” ra xét xử. Bản án sơ thẩm số 19/2021/DS-ST cùng ngày đã tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị M.

Buộc bà Huỳnh Thị Kim N, ông Lê Ngọc C có nghĩa vụ liên đới trả cho bà Nguyễn Thị M số tiền nợ là 1.009.246.559 đồng, trong đó tiền nợ gốc là: 907.537.500 đồng, tiền nợ lãi là: 101.709.059 đồng.

Kể từ khi Bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Không đồng ý với Bản án, nguyên đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung vụ án và bản án sơ thẩm theo quy định của pháp luật; bị đơn kháng cáo đề nghị sửa án sơ thẩm không tính lãi cho bà vì tiền lãi bà đã trả cho bà M vượt quá tiền gốc và bà chỉ trả tiền gốc cho bà M với số tiền 630.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định kháng cáo của nguyên đơn là có cơ sở, còn kháng cáo của bị đơn là không có cơ sở nên áp dụng khoản 2 Điều 308 BLTTDS tuyên xử sửa bản án dân sự sơ thẩm số 19/2021/DS-ST ngày 09/6/2021 của TAND huyện Hàm Thuận Nam.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm:

Thứ nhất, về việc áp dụng pháp luật để tính lãi: Ngày 05/9/2016 và ngày 13/12/2016 bà Huỳnh Thị Kim N vay của bà Nguyễn Thị M với tổng số tiền 970.000.000 đồng. Còn giấy mượn tiền ngày 02/3/2017 không phải là hợp đồng vay tài sản, mà có giá trị xác nhận các khoản vay của bà N với bà M từ năm 2016. Đây là hợp đồng được xác lập trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực), các bên có thỏa thuận lãi, sau khi vay bà N có trả lãi cho bà M nên trường hợp này xác định là hợp đồng đang được thực hiện.

Điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn:

1. Hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng được xác lập trước ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 bắt đầu có hiệu lực) thì việc áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất xác định như sau:

c) Hợp đồng đang được thực hiện là hợp đồng mà các bên chưa thực hiện xong quyền, nghĩa vụ theo thỏa thuận và các quyền, nghĩa vụ khác phát sinh từ hợp đồng mà pháp luật có quy định.

Hợp đồng đang được thực hiện mà lãi, lãi suất không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14-6-2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết.

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Trong vụ án này mức lãi suất mà nguyên đơn và bị đơn thỏa thuận là 3%/tháng (36%/năm) và 6%/tháng (72%/năm) cho từng khoản vay là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên.

Như vậy, theo hướng dẫn trên, thì phải áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để tính lãi suất từ khi vay đến khi xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 đế tính lãi suất từ khi vay đến ngày 02/3/2017 và căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để tính lãi suất từ ngày 02/3/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm là áp dụng pháp luật không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.

Thứ hai, về tiền lãi chậm trả trong giai đoạn thi hành án: Hợp đồng các bên có thỏa thuận lãi suất và Tòa án đã tính lãi suất đến ngày xét xử sơ thẩm. Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì lãi suất chậm trả phải tính từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm xác định lãi suất chậm trả từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án là chưa phù hợp.

Điều 13. Quyết định lãi, lãi suất trong bản án, quyết định của Tòa án

1. Khi giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, cùng với việc quyết định khoản tiền mà bên có nghĩa vụ về tài sản phải thanh toán cho bên được thi hành án thì Tòa án phải quyết định trong bản án hoặc quyết định (Phần quyết định) như sau:

a) Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.   

                                                                                 Nguyễn Thị Hằng

                                                           Phòng 9 - VKSND tỉnh Bình Thuận

 

 

 

 

18-11-2024
260 lượt xem
Kinh nghiệm Kiểm sát việc giải quyết “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản” bị vô hiệu, do trốn tránh trách nhiệm đối với người thứ ba
13-09-2024
898 lượt xem
Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính
22-04-2024
4775 lượt xem
Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch
02-04-2024
5844 lượt xem
Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.
28-03-2024
1941 lượt xem
Để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chống oan sai,
25-09-2023
2187 lượt xem
Thực tiễn những năm qua cho thấy, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn trường hợp hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính.
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website