Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng dân sự
Ngày đăng: 02/06/2021 6206 lượt xem

Trong bài viết này, tác giả Nguyễn Thị Thu Sương, Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật TP. HCM giới thiệu đến bạn đọc thực trạng và những kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật đối với trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng dân sự.

Trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong tố tụng dân sự

Bên cạnh các quy định về quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập chứng cứ và chứng minh của đương sự, Điều 6, Điều 7 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng thời hạn các tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp các tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 1 Điều 106 BLTTDS năm 2015).

So sánh trong tương quan với quy định của BLTTDS năm 2004 về nội dung trên, tác giả cho rằng đây là điểm tiến bộ của BLTTDS năm 2015. Trước đây, Điều 94 BLTTDS năm 2004 không quy định về quyền của đương sự trong việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ cung cấp. Điều này vô hình trung gây ra nhiều khó khăn, bất lợi cho đương sự. Do vậy, việc BLTTDS năm 2015 ghi nhận tại Điều 106 về quyền cũng như phương thức yêu cầu cung cấp chứng cứ, đồng thời đặt ra nghĩa vụ đối ứng của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ (trách nhiệm pháp lý, thời hạn phải tuân thủ) được xem là “bước tiến đáng kể” trong quá trình cụ thể hóa và bảo đảm giá trị của nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh. Thiết nghĩ đây là quy định hợp lý, vừa đảm bảo quyền của đương sự, vừa nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cùng với việc quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của chủ thể đang lưu giữ thì pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam cũng đặt ra chế tài tương ứng nếu các chủ thể này vi phạm. Điều 495 BLTTDS năm 2015 quy định về việc xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ. Đối chiếu với các quy định tại Điều 498 BLTTDS năm 2015, các Điều 21, 48 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này là cảnh cáo, phạt tiền và thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử phạt thuộc về Chánh án. Về chế tài hình sự, Điều 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu. Theo đó, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

Tác giả cho rằng các chế tài như trên còn khá chung chung, thiếu tính khả thi trong thực tiễn áp dụng, đặc biệt là không đảm bảo tinh thần của nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh. Đây cũng chính là điểm khác biệt so với quy định của BLTTDS Liên bang Nga. Theo đó, khoản 3 Điều 57 BLTTDS Liên bang Nga quy định trong trường hợp đương sự không thông báo cho Tòa án hoặc không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì những người có chức vụ bị phạt tiền đến mức 10 lần mức lương tối thiểu, công dân bị phạt tiền đến mức 05 lần mức lương tối thiểu, nếu họ không phải là những người tham gia tố tụng. Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật tố tụng dân sự Liên bang Nga đã đặt ra chế tài và mức phạt khá nặng đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án của các cá nhân, tổ chức đang nắm giữ. Thiết nghĩ đây là quy định rất tiến bộ, được quy định rõ ràng và chi tiết mà Việt Nam có thể tham khảo.

Thực tiễn thực hiện quy định về đảm bảo trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền

Trong tố tụng dân sự, mặc dù người khởi kiện là chủ thể “châm ngòi” cho việc giải quyết vụ án của Tòa án hay nói cách khác quá trình tố tụng chỉ được vận hành khi và chỉ khi có yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên trên thực tế, không phải thông tin, tài liệu, chứng cứ nào họ cũng có điều kiện để biết. Chẳng hạn như tài liệu chứng minh địa chỉ của bị đơn; tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm đối với các giao dịch dân sự diễn ra không bằng văn bản mà thông qua trao đổi, giao kết bằng hành vi, lời nói…

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, trình độ hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên khả năng tự bảo vệ, tự thu thập chứng cứ, tự chứng minh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, mặc dù cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm và thực tế quyền lợi của họ đang bị xâm phạm nhưng lại không thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác cung cấp chứng cứ để làm cơ sở cho họ đòi lại quyền lợi hợp pháp của mình. Điển hình là trong rất nhiều vụ án, mặc dù đương sự đã mất rất nhiều công sức, thời gian để yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu chứng cứ cung cấp, nhưng kết quả thường là: (i) Không nhận được bất cứ phản hồi nào về việc cung cấp hay không cung cấp tài liệu, chứng cứ; (ii) Bị từ chối với nhiều lý do hay thoái thác trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà không có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng; (iii) Cung cấp không đầy đủ, không chính xác, không đúng thời hạn luật định.

Những điều này gây bất lợi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Tác giả cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ những “khoảng trống” trong quy định của pháp luật dẫn đến chưa đảm bảo tính thực thi, cụ thể:

Khoản 2 Điều 106 BLTTDS năm 2015 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp cho đương sự khi nhận được yêu cầu, trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do nhưng lại không quy định chế tài pháp lý nếu các chủ thể này không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hay cung cấp quá thời hạn luật định mà không có lý do chính đáng. Như vậy, khi không có biện pháp, chế tài xử lý thì dù được đánh giá là mới, là tiến bộ so với các quy định cũ, quy định này vẫn không có giá trị thực thi trên thực tế.

Điều đáng nói là một khi hình thức từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chủ yếu bằng lời nói, hành vi mà không thể hiện qua bất kỳ một văn bản nào thì không có căn cứ để đương sự chứng minh cho Tòa án rằng họ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể thu thập chứng cứ. Điển hình là với các thông tin, tài liệu liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, các tài sản chưa được công nhận quyền sở hữu hợp pháp… thì quá trình yêu cầu xác nhận nguồn gốc, xác nhận quá trình sử dụng ổn định lâu dài… vẫn là một bài toán chưa có lời giải. Có thể xem xét vấn đề này qua một số vụ việc như sau:

Vụ việc thứ nhất:

Năm 2008, bà Mai Thị H và ông Mai Xuân C kết hôn hợp pháp. Trong quá trình chung sống, cả hai cùng tạo lập được tài sản là nhà đất tại địa chỉ 131/48 phường B, quận T, thành phố D. Ngày 13/2/2018, cả gia đình bà H bị sát hại. Do vậy, những người thừa kế của bà H (cha mẹ ruột là ông Mai Văn Q và bà Nguyễn Thị L) đã thực hiện các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là GCNQSDĐ) để hợp thức hóa, đồng thời phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ tục này gặp rất nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc thiếu thiện chí của các cá nhân, tổ chức đang lưu giữ tài liệu chứng cứ liên quan đến nguồn gốc, quá trình tạo lập, sử dụng, cải tạo nhà đất này. Về phía người đang trực tiếp lưu giữ các tài liệu chứng minh nguồn gốc, quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp của nhà đất là ông Mai Văn T (em ruột của ông C) thì không hợp tác, từ chối cung cấp. Vụ việc sau đó được đưa ra Ủy ban nhân dân phường B để giải quyết và tại thông báo hòa giải, Ủy ban nhân dân phường yêu cầu ông T cung cấp hồ sơ, tài liệu để bà Nguyễn Thị L thực hiện thủ tục kê khai, xin cấp GCNQSDĐ nhưng sau đó ông T cũng không cung cấp. Về phía cơ quan có thẩm quyền quản lý, lưu trữ các thông tin, dữ liệu về nhà đất nêu trên như chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận T, Phòng tài nguyên và môi trường quận T, Phòng quản lý đô thị quận T, Ủy ban nhân dân phường B… đều thông báo rằng họ không quản lý bất cứ thông tin, tài liệu nào về nhà đất nêu trên.

Trong vụ việc này tác giả nhận thấy có hai vấn đề như sau:

Một là, quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Q, bà L sẽ được giải quyết thế nào khi đã thực hiện nhiều biện pháp, từ mềm dẻo thiện chí sang cứng rắn là yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhưng người đang lưu giữ tài liệu chứng cứ vẫn bất hợp tác. Hơn nữa, khi quy trình tố tụng còn chưa được vận hành thì đương sự cũng không thể yêu cầu sự tham gia hỗ trợ của Tòa án.

Hai là, trường hợp ông Q, bà L muốn khởi kiện thì cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu thực hiện nội dung đã cam kết trong thông báo hòa giải tại Ủy ban nhân dân, sau đó mới tính đến yêu cầu phân chia di sản thừa kế trong một vụ án khác. Bởi lẽ, chưa có bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh thửa đất yêu cầu hợp thức hóa là di sản thừa kế do ông C, bà H để lại.

Vụ việc thứ hai:

Liên quan đến tranh chấp về xác định tư cách góp vốn của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ E (Công ty E); vụ việc được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đ thụ lý giải quyết từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa xét xử sơ thẩm mà nguyên nhân chủ yếu là do các chủ thể đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ quan trọng từ chối cung cấp. Theo đó, thời điểm Công ty E được thành lập có 02 thành viên là bà Nguyễn Thị A và bà Nguyễn Thị L. Bà A cho rằng bà L không góp vốn, không hợp tác mà ủy quyền cho bà Nguyễn Thị T chiếm đoạt con dấu và quản lý mọi công việc của công ty nên khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Đ tuyên không công nhận tư cách thành viên của bà L. Bà L đã làm đơn yêu cầu phản tố với nội dung: Không đồng ý yêu cầu khởi kiện của bà A, bà A không góp vốn, không tham gia hoạt động của công ty mà chỉ đứng tên trên danh nghĩa; yêu cầu không công nhận bà A là thành viên công ty và hủy Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giả (vì cấp sai do không có biên bản họp thành viên công ty hợp lệ và các giấy đăng ký cũ còn hiệu lực nên bà A tự ý đi cấp lại). Xét thấy, hồ sơ các đương sự cung cấp chưa đủ cơ sở để giải quyết, ngày 28/10/2016, TAND tỉnh Đ đã ban hành Công văn đề nghị Công an tỉnh Đ trả lời. Ngày 29/11/2016, Tòa nhận được Công văn phúc đáp số 49/PC 46 với nội dung: “Vụ án tranh chấp con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh giữa các thành viên Công ty E đã được Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đ thụ lý giải quyết. Do vậy, yêu cầu Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đ cung cấp toàn bộ lời khai của các bên đương sự trong vụ án cho Tòa án”. Tiếp đó, TAND tỉnh Đ đã 02 lần gửi công văn yêu cầu Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đ trả lời và cung cấp chứng cứ, trong đó, quy định rõ thời hạn phải có nghĩa vụ cung cấp, trường hợp không cung cấp được phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, qua nhiều lần có văn bản đề nghị, câu trả lời mà Tòa án nhận được chỉ là sự “im lặng”. Sự chậm trễ, thiếu thiện chí này làm cho vụ án bị trì hoãn, kéo dài, thậm chí đã quá thời hạn giải quyết vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Thông qua các vụ việc nêu trên, vấn đề được đặt ra là tại sao pháp luật hiện hành đã có quy định về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức và cá nhân đang lưu giữ, nhưng thực tiễn lại không được tuân thủ, đồng thời luật đã có những chế tài pháp lý mang tính cưỡng chế bắt buộc đối với các chủ thể vi phạm nghĩa vụ nhưng Tòa án không áp dụng để xử lý? Phải chăng các quy định hiện hành còn chưa đủ rõ ràng, việc áp dụng không mang lại hiệu quả. Tác giả cho rằng, việc không áp dụng chế tài xuất phát từ tính thiếu bao quát của BLTTDS năm 2015, theo đó chế tài xử lý hành vi không giao nộp tài liệu, chứng cứ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ chỉ đặt ra trong trường hợp các cá nhân, cơ quan, tổ chức đó không thi hành quyết định của Tòa án mà không đặt ra với trường hợp các chủ thể đó không thực hiện yêu cầu của đương sự. Đây là một bất cập lớn bởi lẽ nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự là cơ sở để mỗi đương sự phát huy được tinh thần chủ động của mình khi yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, để đương sự có thể thực hiện được quyền và cũng là nghĩa vụ này trong thực tiễn thì phải có những quy định rõ ràng để cụ thể hóa, hướng dẫn chi tiết, đặc biệt là trách nhiệm của các chủ thể có nghĩa vụ đối ứng.

Mặt khác, BLTTDS năm 2015 không quy định chế tài đối với hành vi cản trở đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho các yêu cầu của họ. Chính vì việc thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn nên các quyền tố tụng khác của đương sự như quyền tranh tụng rất khó để thực hiện hiệu quả.

Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật

Thứ nhất, quy định chế tài đối với trường hợp chủ thể có thẩm quyền đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ nhưng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không đúng hạn theo yêu cầu của đương sự mà không có lý do chính đáng.

Nhằm bảo đảm quyền tố tụng của các đương sự, BLTTDS năm 2015 đã quy định chế tài xử lý khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật tố tụng dân sự nói chung và nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh nói riêng. Tuy nhiên, tác giả cho rằng các chế tài xử lý hành vi vi phạm nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong BLTTDS hiện hành và các văn bản có liên quan chưa bao quát hết các hành vi mà cá nhân, cơ quan, tổ chức xâm phạm tới việc thực hiện quyền khởi kiện, quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong quá trình tố tụng.

Qua nghiên cứu quy định của pháp luật liên quan đến chế tài xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, Điều 55 Luật phá sản năm 2014 quy định về hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ như sau: “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc phá sản mà không cung cấp đầy đủ, kịp thời hoặc cung cấp không chính xác tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, TAND, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nếu không có lý do chính đáng”.

Tác giả cho rằng, BLTTDS hiện hành cần tham khảo tinh thần của Luật phá sản năm 2014 khi đặt ra trách nhiệm pháp lý đối với cả trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ mà từ chối cung cấp khi đương sự có yêu cầu. Theo đó, cần bổ sung thêm quy định tại Chương XL của BLTTDS năm 2015 nhằm xử lý hành vi cản trở trong hoạt động tố tụng dân sự theo một trong hai cách sau:

- Điều chỉnh quy định tại Điều 495 BLTTDS năm 2015 theo hướng: “Điều 495. Xử lý hành vi không thi hành quyết định của Tòa án, yêu cầu của đương sự về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, đương sự hoặc đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án.

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án, yêu cầu của đương sự về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

2. ...”.                                 

- Bổ sung thêm một điều luật quy định về hành vi không thực hiện yêu cầu của đương sự, cụ thể:  “Điều …. Xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu của đương sự về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho đương sự.

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của đương sự về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì theo yêu cầu của đương sự, Tòa án có thể xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của đương sự về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Thứ hai, kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp chủ thể có thẩm quyền đang lưu giữ tài liệu, chứng cứ nhưng không cung cấp, cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không đúng thời hạn theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát, đương sự mà không có lý do chính đáng.

Trên cơ sở tham khảo có chọn lọc pháp luật tố tụng dân sự một số quốc gia, tác giả cho rằng, cần xem xét, đánh giá trong mối tương quan giữa trách nhiệm cung cấp chứng cứ, các hành vi vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm, từng đối tượng cụ thể, tính chất quan trọng của từng tài liệu được yêu cầu cung cấp… để đưa ra mức xử phạt vi phạm hành chính phù hợp với từng hành vi vi phạm. Đây cũng là cơ chế rõ ràng để mỗi Tòa án có căn cứ áp dụng, tránh tình trạng chung chung, thiếu minh bạch như hiện nay./.

TCKS số 03/2021

 

18-11-2024
264 lượt xem
Kinh nghiệm Kiểm sát việc giải quyết “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng tài sản” bị vô hiệu, do trốn tránh trách nhiệm đối với người thứ ba
13-09-2024
900 lượt xem
Rút kinh nghiệm về kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính
22-04-2024
4797 lượt xem
Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch
02-04-2024
5844 lượt xem
Từ thực tiễn công tác giải quyết các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả nêu một số vướng mắc cần trao đổi và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật để có sự thống nhất trong nhận thức và đường lối xử lý loại tội phạm này.
28-03-2024
1943 lượt xem
Để công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chống oan sai,
25-09-2023
2187 lượt xem
Thực tiễn những năm qua cho thấy, do những nguyên nhân khác nhau, vẫn còn trường hợp hình sự hóa các vi phạm trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, hành chính.
Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Hướng dẫn nhập phần mềm KNTC

Liên kết Website